Anh Quyền cho biết, tâm lý của người dân thích chưng cây kiểng lạ, màu sặc sỡ vào dịp Tết nên anh quyết định học hỏi kinh nghiệm và tham gia vào Tổ trồng quýt chậu ở xã Vĩnh Thới.
Đây là năm đầu tiên anh thử nghiệm đưa quýt hồng lên chậu nên tỉ lệ thành công tương đối thấp.
Theo lời anh Quyền, quýt hồng để đưa lên chậu cây con phải từ 2,5 – 3 năm tuổi.
Trồng quýt hồng khó nhất là khâu chiết cành từ cây mẹ, rồi đưa xuống mô đất thuần dưỡng. Nếu ở khâu này làm đúng kỹ thuật, cây phát triển tốt thì bắt đầu đưa lên chậu.
Thời điểm xử lý cho quýt hồng mang trái diễn ra vào tháng 2 âm lịch.
Ban đầu, anh thử nghiệm để làm sao cho cây quýt hồng có tán, cành to và rộng đang trồng trong đất vườn nhà thành cây kiểng chưng Tết .
Lúc nuôi cấy dưới đất không để vượt tán quá cao và phải tạo thế đứng cho cây đẹp. Mỗi cây có chiều cao từ 1 – 1,5m.
Trồng quýt hồng trong chậu kiểng tốn nhiều công sức chăm sóc. Sự khác biệt giữa trồng quýt hồng kiểng với quýt thường đòi hỏi nhà vườn phả có tay nghề cao và quyết tâm.
Thời điểm quyết định thành công, sống còn là khi cây có trái bằng ngón tay cái phải bứng vào chậu. Điều lo lắng nhất là trái rụng, cây khó sống.
Năm nay, anh Quyền bứng 200 gốc quýt hồng lên chậu nhưng bị hao hụt trong quá trình chăm sóc, chỉ còn 60 chậu đạt yêu cầu. Tổng chi phí từ giống, phân thuốc… cho mỗi chậu quýt đến khi bán ra thị trường khoảng 1,6 triệu đồng.
Mỗi chậu đạt yêu cầu phải từ 35 – 80 trái, với giá bán từ 3 – 8 triệu đồng. Với số lượng quýt trên, sau khi trừ chi phí anh Quyền thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.