Theo trang trưng bày nghệ thuật online Museum of the Moon, nhờ sự ra đời của kính thiên văn, các nhà khoa học dần phác họa nên cấu trúc bề mặt của Mặt trăng. Từ chỉ nhìn thấy một phía của Mặt trăng, năm 1959, lần đầu tiên, các nhà khoa học có thể khám phá phía luôn bị khuất của thực thể này sau khi tàu vũ trụ không người lái Luna 2 của Liên Xô đáp xuống bề mặt của nó.
Nhưng phải đến những năm 1960 - 1970, các phi hành đoàn tàu Apollo mới thật sự giúp con người khai phá những bí mật của thực thể chỉ đứng sau Mặt trời về kích thước và độ sáng trên bầu trời này. Sau đó, việc thăm dò bề mặt của Mặt trăng chủ yếu được thực hiện từ xa bằng tàu đổ bộ robot, vệ tinh hoặc kính thiên văn từ Trái đất.
Ngày nay, chỉ đơn giản với một cặp ống nhòm hay bằng mắt thường, ai cũng có thể nhìn thấy những phần sáng trên Mặt trăng - là những ngọn núi và miệng núi lửa được hình thành do những vụ va chạm vũ trụ; và những vùng mặt phẳng bazan rộng và tối, từng bị nhầm tưởng là biển, thật ra được hình thành từ dung nham của các vụ phun trào núi lửa cổ đại.
Trông trăng hóa người
Những vùng sáng, tối trên Mặt trăng được gắn cho rất nhiều cách diễn giải và mô tả khác nhau tùy vào vị trí quan sát trên Trái đất như hình sau:
Hiện tượng nhìn ra các khuôn mặt khác nhau trên Mặt trăng được gọi là Lunar pareidolia, hay ảo giác Mặt trăng. Đây là một nhánh của hiện tượng chung pareidolia - ảo giác khuôn mặt, khi con người thường nhìn thấy khuôn mặt trên những vật thể vô tri chứ không riêng gì bề mặt Mặt trăng.
Trong một thí nghiệm để tìm hiểu cách bộ não gắn cho các loại hình dạng và đường thẳng ngẫu nhiên những liên tưởng khác nhau năm 2014, Joel Voss, nhà khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Northwestern, cho các tình nguyện viên xem những đường nguệch ngoạc được vẽ bằng máy tính, những hình dạng vô nghĩa tạo nên từ hình tam giác hoặc hình tròn. Các tình nguyện viên được hỏi liệu những hình dạng đó có giống cái gì đó có ý nghĩa hay không. Kết quả: họ cho biết khoảng một nửa số hình ảnh được cho xem là có ý nghĩa.
Voss cũng sử dụng fMRI - quy trình chụp cộng hưởng từ chức năng giúp đo lường hoạt động của não bằng cách theo dõi những thay đổi trong lưu lượng máu - để nghiên cứu các vùng não được kích hoạt khi một người nhìn thấy những đường nguệch ngoạc. Ông nhận thấy cũng chính các vùng não đó sẽ sáng lên khi xử lý những hình ảnh thực sự có ý nghĩa.
"Đối với hệ thống thị giác của con người, không có sự khác biệt nào giữa hình ảnh của một con ếch thật với một tập hợp các dấu chấm và đường nét kỳ lạ mà họ chưa từng thấy qua, nhưng lại mơ hồ giống một con ếch. Bộ não của con người cứ thế coi những vật đó là cùng một thứ" - Voss nói.
Trong cuốn sách The Demon-Haunted World: Science as a Candle in the Dark (Thế giới ma ám: Khoa học như ngọn nến trong đêm), nhà thiên văn học Carl Sagan đã đưa ra một lời giải thích khả dĩ cho cơ chế liên tưởng hình ảnh của não.
Sagan cho rằng có lẽ việc nhận dạng khuôn mặt, ngay cả khi ở những hình dạng mơ hồ, là một lợi thế về mặt tiến hóa của con người. Ông viết: "Cách đây một triệu năm, những đứa trẻ không có khả năng nhận ra khuôn mặt [từ những vật thể xung quanh] có khuynh hướng ít tươi cười, do đó thường ít chiếm được cảm tình của cha mẹ và ít có khả năng phát triển".
Voss đưa ra một cách lý giải khác. Ông cho rằng bộ não con người như một cỗ máy linh hoạt, đa năng, hoạt động với phương châm thích ứng trong bất kỳ môi trường ngẫu nhiên nào. Theo Voss, để làm quen với những nơi xa lạ, bộ não phải có khả năng xử lý nhanh chóng các kích thích thị giác không quen thuộc - như hình dạng và đường nét mới - và tìm ra điểm đáng chú ý từ chúng. Việc nhìn thấy các khuôn mặt và hình dáng chỉ đơn thuần là hệ quả của việc não có xu hướng khớp thông tin đã lưu trữ với các kích thích mới.
Nhà thần kinh học này nhận định: "Mặc dù chúng ta thấy thế giới là một môi trường có cấu trúc, chứa các đối tượng khác nhau, nhưng nó thực sự chỉ là một loạt đường thẳng, hình dạng và màu sắc ngẫu nhiên. Lý do tại sao rất dễ nhìn thấy những thứ có ý nghĩa trong những hình dạng vô nghĩa là vì những hình dạng vô nghĩa đó có rất nhiều đặc điểm giống với những thứ có ý nghĩa".
Pawan Sinha, giáo sư khoa học thần kinh và thị giác tại Viện Công nghệ Massachusetts, đồng tình với cách lý giải này. "(Việc liên tưởng) diễn ra vì bộ não đang làm những gì nó được thiết kế để làm, đó là suy luận về mọi thứ trên thế giới dựa trên lượng thông tin rất hạn chế. Nếu tôi nhìn thấy bạn ở khoảng cách 30m, hình ảnh của khuôn mặt bạn trên võng mạc của tôi sẽ rất nhỏ. Nhưng ngay cả khi chỉ sử dụng những pixel nhỏ đó, bộ não cũng phải suy ra người này có thể là ai" - Sinha nói với tạp chí The Atlantic. Nếu không có cơ chế xử lý này, con người sẽ gặp khó khăn trong việc nhận diện thế giới.
Nhưng đôi khi, chẳng hạn lúc nhìn vào Mặt trăng, hoặc những đám mây, các chòm sao, hoặc một miếng bánh mì nướng, cơ chế áp dụng những kinh nghiệm trước đây để diễn giải một thứ mới này của não khiến con người bị ảo giác.
Sinha nói: "Nếu bạn cho tôi xem hình ảnh một con thỏ và ngay sau đó bạn cho tôi ngắm trăng, rất có thể tôi sẽ thấy con thỏ trên Mặt trăng. Vì bạn đã cho tôi biết hình ảnh của con thỏ, nên cảm quan của tôi thiên vị hình ảnh đó và dựa vào đó đưa ra giải thích về những thông tin hơi mơ hồ từ Mặt trăng. Nhưng nếu bạn cho tôi xem một khuôn mặt trước đó thì có thể tôi lại nhìn thấy một khuôn mặt trên Mặt trăng".
Tương tự, nếu khi còn nhỏ, con người nghe những câu chuyện về một khuôn mặt hoặc một con thỏ hoặc một con cóc trên Mặt trăng, bộ não sẽ ghi nhớ những câu chuyện này để làm căn cứ diễn giải những gì họ nhìn thấy trên bầu trời đêm lúc trưởng thành, vị giáo sư thần kinh học cho biết.
Điều này khớp với nhận xét của Adrienne Mayor, nhà sử học khoa học tại Đại học Stanford (California), chuyên nghiên cứu cách các nền văn hóa cổ đại giải thích dữ liệu và ý nghĩa từ thế giới tự nhiên, được trích trong bài viết trên National Geographic: "Bầu trời đêm là một trong những bức tranh kể chuyện toàn cảnh vĩ đại nhất. Vạn vật trong thế giới tự nhiên là gợi ý sáng tạo cho những câu chuyện kể. Khi bạn nhìn thấy Mặt trăng, bạn nhớ câu chuyện đã nghe khi còn nhỏ và bạn truyền lại nó".
Chiếc gương phản chiếu văn hóa
Về mặt khoa học, những gì một người trông thấy trên bề mặt Mặt trăng có thể do cơ chế diễn dịch của não bộ quy định. Nhưng ở góc độ lịch sử, những gì con người ở các nền văn minh khác nhau lĩnh hội về Mặt trăng chịu ảnh hưởng lớn hơn từ sự đa dạng văn hóa, nguồn gốc và tín ngưỡng. Các nền văn hóa khác nhau có mối liên hệ lịch sử, văn hóa và tôn giáo khác nhau với Mặt trăng.
Theo đó, có nhiều truyền thuyết khác nhau về những hình ảnh phản chiếu từ Mặt trăng. Một truyền thuyết lâu đời ở châu Âu cho rằng hình ảnh đó phản chiếu một người đàn ông mà kinh thánh mô tả là đã bị kết án tử hình bằng cách ném đá vì nhặt củi vào ngày Sabbath, ngày mà con người được quy định phải nghỉ ngơi, không làm bất cứ công việc lao nhọc nào và chỉ thờ phụng Đức Chúa trời. Một số nền văn hóa Đức tin rằng anh ta là một người đàn ông bị bắt quả tang ăn trộm đồ từ hàng rào của hàng xóm để phục vụ mục đích sửa chữa riêng của bản thân. Một truyền thuyết La Mã khác lại kể rằng anh ta là một kẻ trộm cừu.
Cũng có đức tin lâu đời cho rằng người đàn ông trên Mặt trăng rất thích uống rượu, đặc biệt là rượu vang đỏ. Vào thời Trung cổ và thời kỳ Phục hưng ở Anh, Mặt trăng được xem như vị thần của những kẻ say xỉn, và ít nhất 3 quán rượu ở London được đặt tên là "The Man in the Moone", với ý nghĩa trêu chọc "Người đàn ông trong cơn say".
Các dân tộc châu Á cũng có nhiều liên tưởng vô cùng phong phú. Trong thần thoại Trung Quốc, Thường Nga bị đày lên Mặt trăng sau khi dại dột uống gấp đôi liều thuốc trường sinh bất tử. Một nhóm nhỏ thỏ bầu bạn với cô trên Mặt trăng. Những người thưởng trăng ở Nhật thì thấy một chú thỏ đang làm bánh mochi trên cung trăng.
Người Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có đồng quan điểm về hình ảnh chú thỏ, chỉ khác một chút là chú đang bào chế thuốc trường sinh thay vì làm bánh. Còn ở Việt Nam, dân gian vẫn nói, nhìn lên Mặt trăng sẽ thấy hình ảnh chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa.
Danh sách những hình ảnh liên tưởng cứ thế kéo dài bất tận từ vùng lãnh thổ này sang nền văn hóa khác. Nhưng, như tác giả Marina Koren của The Atlantic viết, bất kể con người nhìn thấy gì trên Mặt trăng, điều đáng mừng là họ có thể làm điều đó chỉ bằng mắt thường, bởi Mặt trăng thực sự là một thế giới khác - với những ngọn núi và lòng chảo riêng và những phần nước đóng băng của chính nó.
Việc thưởng trăng đêm này qua đêm khác mà không cần đến kính thiên văn chuyên dụng, tự vẽ nên những khung cảnh thơ mộng về cung trăng, quả là một niềm hạnh phúc.
Trong lịch sử muôn vàn những tin đồn thất thiệt về Mặt trăng, cú lừa mà tờ New York Sun tung ra năm 1835 được xem như một sự kiện đình đám nhất.
Trong số báo ngày 25-8, New York Sun cho đăng bài đầu trong series 6 bài về sự sống mới được phát hiện trên Mặt trăng, gồm những sinh vật sống trên Mặt trăng ("Họ có chiều cao trung bình khoảng 1,2m, che kín người, ngoại trừ mặt, mái tóc ngắn và bóng màu đồng, và có đôi cánh cấu tạo bởi một lớp màng mỏng, không có lông, nằm ôm khít trên lưng"), hệ động-thực vật và cách tổ chức bộ máy xã hội trên đó.
Bài viết dẫn nguồn từ "Tạp chí Khoa học Edinburgh" và ký tên "tiến sĩ Andrew Grant", đồng nghiệp của nhà thiên văn học nổi tiếng thời bấy giờ - Sir John Herschel. Thực tế là "tiến sĩ Grant" không tồn tại, tạp chí khoa học kia đã đình bản trước đó 2 năm, và cả series là tác phẩm châm biếm của Richard Adams Locke, phóng viên New York Sun, theo trang history.com.