Ngấm đòn trừng phạt, ngành sản xuất quan trọng này của Nga lao dốc không phanh - người dân đổ xô tìm hàng 'second hand', giá tăng phi mã vẫn nhắm mắt mua

Đức Nam |

Chi tiêu cho mặt hàng này tại Nga đã giảm hơn 1 nửa vào năm 2022.

Chi tiêu cho ô tô mới ở Nga đã giảm hơn một nửa vào năm ngoái khi ngành công nghiệp ô tô “ngấm đòn” trừng phạt từ phương Tây khi sản xuất lao dốc, giá cả tăng vọt còn người mua thì chuyển sang các mẫu xe qua sử dụng với giá rẻ hơn.

Trong khi các nhà phân tích vẫn đang tranh luận về hiệu quả của các biện pháp kiềm chế kinh tế đối với Nga, rõ ràng chúng đã tác động mạnh đến ngành công nghiệp ô tô nước này, vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất nước ngoài và linh kiện nhập khẩu.

Chi tiêu cho ô tô mới đã giảm 52% xuống còn 1,5 nghìn tỷ rúp (20,4 tỷ USD) vào năm ngoái, trong khi lượng ô tô mới bán ra giảm 58,8%. Sản xuất ô tô cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991. Dữ liệu từ cơ quan phân tích Autostat cho thấy tổng chi tiêu cho ô tô chở khách mới và qua sử dụng đã giảm hơn 15% vào năm 2022, mặc dù chi cho xe qua sử dụng tăng 14%.

Dữ liệu cho thấy ô tô qua sử dụng chiếm gần 3/4 tổng lượng ô tô bán ra, tăng mạnh so với mức 55% vào năm 2021.

“Tiền đổ vào thị trường ô tô qua sử dụng khi cấu trúc của thị trường ô tô mới thay đổi đáng kể”, Giám đốc điều hành Autostat – Sergei Udalov nói với Reuters. “Hãng xe bình dân Lada và xe Trung Quốc vẫn tồn tại trên thị trường trong khi các thương hiệu cao cấp gần như đã rời bỏ hoàn toàn”, ông này nói thêm.

Anton, nhân viên một công ty lớn của Nga, cho biết đã mua một chiếc Skoda qua sử dụng hồi tháng 12/2022. Anh thích một chiếc xe do châu Âu sản xuất hơn là xe nội địa hoặc xe Trung Quốc. Với giá 2,5 triệu rúp, chiếc xe của anh đắt hơn khoảng 1 triệu rúp so với 1 năm trước nhưng vẫn rẻ hơn 1 triệu rúp so với giá xe mới.

Ngấm đòn trừng phạt, ngành sản xuất quan trọng này của Nga lao dốc không phanh - người dân đổ xô tìm hàng second hand, giá tăng phi mã vẫn nhắm mắt mua - Ảnh 1.

Chi tiêu cho xe qua sử dụng tại Nga đã tăng vọt trong năm 2022.

Anton cho biết anh cảm thấy may mắn khi mua được một chiếc ô tô qua sử dụng với mức ODO thấp, vì lượng hàng dự trữ đang cạn dần. “Xe mới giờ đây chỉ là thú vui của giới nhà giàu, trừ khi đó là xe Lada hoặc xe Trung Quốc”, anh nói.

Theo Autostat, giá trung bình của ô tô mới bán ra trong năm ngoái đã tăng 17% lên 2,33 triệu rúp trong khi giá ô tô qua sử dụng tăng 32% lên 890.000 rúp. Nhà sản xuất ô tô Sức là Skoda Auto – một công ty con của Volkswagen, cho biết lượng xe giao hàng đến Nga đã giảm 80% vào năm 2022. Volkswagen đã đóng cửa các nhà máy ở Nga và ngừng nhập khẩu nhưng vẫn chưa đồng ý bán mình như một số công ty cùng ngành.

Renault của Pháp đã bán phần lớn cổ phần của mình trong liên doanh Avtovaz cho nhà nước Nga với giá được cho là 1 rúp nhưng có tùy chọn mua lại trong 6 năm. Tài sản của Nissan tại đây cũng được mua lại với giá 1 euro.

Trong khi đó, nhập khẩu ô tô qua sử dụng vào Nga lại tăng vọt vào năm ngoái, đứng đầu là ô tô Nhật Bản. Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu ô tô giá trị cao sang Nga nhưng ô tô cũ do tư nhân nhập khẩu nằm ngoài các quy định hạn chế.

Cuộc “di cư” của các hãng xe phương Tây đã giúp thương hiệu Trung Quốc giành lấy thị phần. Chẳng hạn, JAC của Trung Quốc đang muốn hồi sinh hãng xe Moskvich từ thời Liên Xô.

Các nhà phân tích thị trường dự đoán doanh số bán ô tô mới sẽ tăng lên khoảng 800.000 chiếc trong năm nay, so với 687.370 vào năm 2022. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 1,6 triệu xe bán ra năm 2021.

Nguồn: Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại