Syria có tên lửa PK rất hiện đại nhưng radar lại quá tệ: Nga cố tình "quên"?

Bình Nguyên |

Phòng không Syria đang sở hữu một lượng lớn tên lửa đất đối không hiện đại và tương đối tân thời, thế nhưng đáng ngạc nhiên là hệ thống radar cảnh giới của họ lại hết sức lạc hậu.

Trận tập kích ồ ạt của Mỹ và đồng minh vào Syria hôm 14/04 dường như đã không thành công như mong đợi khi có nhiều tên lửa hành trình "mới, đẹp và thông minh" hoặc bị bắn hạ hoặc bay lạc đi đâu không ai biết. Dường như liên quân không lường trước được sức chiến đấu và hiệu quả chiến đấu cao như vậy của lực lượng phòng không Syria.

Theo số liệu Bộ Quốc phòng Nga tổng kết thì có tới 66/103 tên lửa của Mỹ và đồng minh bị phòng không bắn hạ (điều chỉnh giảm so với con số 71/103 công bố trước đó), đạt khoảng 65%, đây là hiệu suất chiến đấu cao đáng nể, là niềm mơ ước của nhiều quốc gia khi phải đối mặt với lực lượng hùng hậu và tối tấn như thế.

Thế nhưng, mọi thứ không như là mơ, nhiều chuyên gia cho rằng để có được kết quả đó, phòng không Syria phải dựa rất nhiều vào thông tin tình báo cảnh giới trên không của Nga, còn nếu chỉ bằng với năng lực tự thân thì sẽ chắc chắn là thảm hại. tại sao vậy?

Syria có tên lửa PK rất hiện đại nhưng radar lại quá tệ: Nga cố tình quên? - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình Storm Shadow phóng từ máy bay của Anh.

Công lớn thuộc về các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại...

Trong biên chế lực lượng phòng không Syria có nhiều chủng loại vũ khí phòng không từ loại cố định và khá lạc hậu như tên lửa S-200, Pechora (và một số tổ hợp đã nâng cấp lên chuẩn Pechora-2M) cho tới những loại cơ động như Kub/Kvardat (SA-6), Osa (SA-8), Strela-10M (SA-13).

Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu nảy lửa với Mỹ và liên quân hôm 14/04 vừa qua, 2 loại tên lửa tối tân sau đây đã lập công lớn nhất, đó là tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2, tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1. Tất cả đều là các tổ hợp phòng không cơ động được ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại.

Theo số liệu ban đầu về hiệu suất diệt mục tiêu mà Bộ Quốc phòng Nga công bố thì các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại như Buk-M2 và tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 đạt cao nhất, lần lượt là 83 và 92%.

Điều này không lạ bởi ngoài khả năng bắn các mục tiêu bay cỡ lớn thì cả 2 loại vũ khí phòng không này đều là "sát thủ" chuyên nhiệm đánh chặn mục tiêu bay thấp, cỡ nhỏ như tên lửa hành trình, máy bay không người lái.

Syria có tên lửa PK rất hiện đại nhưng radar lại quá tệ: Nga cố tình quên? - Ảnh 2.

Số đạn tên lửa phòng không Syria đã bắn theo từng chủng loại (cột trái) và số đạn trúng mục tiêu (cột phải). Nguồn Bộ Quốc phòng Nga.

... nhưng hệ thống radar cảnh giới lại quá cũ

Theo các nguồn tin tình báo thì bên cạnh các radar nhìn vòng và chiếu xạ thuộc thành phần cứng của các tổ hợp tên lửa phòng không thì mạng lưới radar cảnh giới của phòng không Syria cũng có số lượng khá hùng hậu và đa chủng loại. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là chúng lại quá cũ, quá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh đối không hiện đại.

Cụ thể gồm các loại radar cảnh giới nhìn vòng P-40 Long Track (tầm trinh sát tối đa 370km); P-12 Spoon Rest (200km); P-14 Tall King (400km); P-15 Flat Face (150km); P-30 Big Mesh (180km); P-35 Bar Lock (350km); P-80 Back Net (450km), radar đo cao PRV-13 (310km); PRV-16 Thin Skin (300km).

Tất cả các loại radar cảnh giới phòng không của Syria đều là loại 2D, chỉ đo được cự ly và phương vị, không đo được độ cao (muốn có tham số quan trọng này thì phải dựa vào các đài đo cao bổ trợ).

Syria có tên lửa PK rất hiện đại nhưng radar lại quá tệ: Nga cố tình quên? - Ảnh 3.

Radar cảnh giới phòng không P-80 Back Net. Ảnh minh họa

Hầu hết những loại radar này được chế tạo từ những năm 1950-1960 của thế kỷ trước và đã được đưa vào biên chế từ hàng chục năm nay, đều đã xuống cấp, sai số lớn và hỏng hóc thường xuyên nên hệ số chiến đấu thấp, khó đảm bảo phát hiện sớm và cung cấp mục tiêu kịp thời để các đơn vị hỏa lực chuyển cấp tiêu diệt.

Chúng trở nên gần như vô dụng trước các loại chiến đấu cơ hiện đại, nhất là đối với các loại máy bay tàng hình thế hệ 5 đang dần càng phổ biến hơn trong biên chế không quân nhiều quốc gia. Đó là chưa kể, chúng dễ dàng bị "bịt mắt" bởi các loại khí tài gây nhiễu hiện đại và dễ đặc biệt là rất dễ bị ăn đạn tên lửa diệt radar của đối phương khi phát sóng.

Trong trận tấn công của Mỹ và đồng minh hôm 14/04 vừa qua, liên quân đã "không thèm" chế áp phòng không Syria (khác với thường lệ trong các cuộc chiến trước đó mà Mỹ và liên quân tiến hành) mà phóng tên lửa hành trình trực tiếp hủy diệt các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Syria.

Đã có một vài chuyên gia nhận định phòng không Syria "bắn mò" tức là cứ bắn bừa khi mà không hề biết mục tiêu đang ở đâu. "Phần lớn tên lửa đánh chặn (của Syria) được bắn ra sau khi cuộc không kích của chúng tôi đã kết thúc", Trung tướng Thủy quân Lục chiến Kenneth F. McKenzi, trưởng ban tham mưu liên quân Mỹ nói.

"Quỹ đạo mà tôi quan sát thấy từ đoạn video được cho là ghi lại tên lửa đất-đối-không của Syria không giống như những gì mà tôi trông đợi trong một chiến dịch đánh chặn các tên lửa hành trình bay thấp" – ông Bronk - Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nói, "Tôi không tin vào tuyên bố đánh chặn thành công của Nga/Syria".

Tất nhiên đây là tuyên bố của các chuyên gia ủng hộ Mỹ, trái ngược so với những gì Nga/Syria tuyên bố những chắc chắn rằng cuộc tranh cãi về thắng - thua này sẽ còn tiếp diễn.

Syria có tên lửa PK rất hiện đại nhưng radar lại quá tệ: Nga cố tình quên? - Ảnh 4.
Syria có tên lửa PK rất hiện đại nhưng radar lại quá tệ: Nga cố tình quên? - Ảnh 5.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các thiệt hại do tên lửa hành trình Mỹ và liên quân gây ra cho khu vực nghiên cứu vũ khí hóa học Syria trước (ảnh trên) và sau (ảnh dưới).

Một khi thực sự ra tay đánh lớn, chắc chắn Mỹ và liên quân sẽ không bỏ qua phòng không Syria một lần nữa mà sẽ chế áp cả cứng (tiêu diệt) và mềm (gây nhiễu, bịt mắt) đối với các đài radar cố định và công kềnh này ngay từ những giây phút đầu tiên khi khai chiến.

Một điểm lạ nữa là Nga ra sức giúp Syria hiện đại hóa lực lượng phòng không bằng các tổ hợp vũ khí mới (Buk-M2, Pantsir-S1 có radar hiện đại đồng bộ) thì lại "quên" một yếu tố quan trọng không kém, đó là hiện đại hóa đồng bộ mạng lưới radar cảnh giới, điều mà bất cứ quốc gia nào cũng sẽ phải thực hiện.

Bởi lẽ có phát hiện sớm, cảnh báo sớm thì mới nắm được toàn bộ bức tranh tình huống trên không để báo động cho các đơn vị hỏa lực vào cấp 1 kịp thời đón đánh mục tiêu một cách đàng hoàng, đĩnh đạc.

Phải chăng cả Nga và Syria quá tin tưởng vào radar nhìn vòng của các tổ hợp tên lửa S-300, S-400 mà Moscow đang triển khai ở Syria. Trong tình huống nguồn tin tình báo của Nga "tịt" vì lý do nào đó còn radar cảnh giới của Syria bị bịt mắt thì họ sẽ đánh như thế nào? "Sấp mặt" chăng?

Phòng không Syria vẫn kiên cường trước các đòn tập kích của Mỹ và liên quân

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại