Đạn dưới cỡ nòng (Subscore profectile, subcaliber shell) là viên đạn có đường kính phần sát thương (lõi đạn) nhỏ hơn cỡ nòng của pháo, đây là vũ khí diệt thiết giáp chủ lực của xe tăng nhờ sở hữu các ưu điểm như sơ tốc rất nhanh, sức xuyên cao, độ chính xác tốt.
Mặc dù gọi là đạn dưới cỡ nhưng thực chất khi khai hỏa thì chúng vẫn là những viên đạn đủ cỡ, chỉ khi ra khỏi nòng và tách phần guốc (vỏ đạn) ốp bên ngoài và chỉ còn thanh xuyên bên trong đập vào vỏ giáp thì nó mới thực sự đúng với tên gọi.
Một viên đạn xuyên động năng dưới cỡ ở thời điểm tách guốc, liều dẫn đường hoạt động
Tưởng như đạn dưới cỡ chỉ là đặc trưng của xe tăng chiến đấu chủ lực thì thật bất ngờ khi biết được rằng các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) cũng có khả năng bắn đạn rocket có đường kính nhỏ hơn nhiều so với ống phóng.
Trong cuộc kiểm tra bắn đạn thật tại Học viện pháo binh - Phòng không lục quân Trung Quốc, hệ thống pháo phản lực tầm xa PHL-03 300 mm đã phóng đi một quả đạn cỡ 122 mm của loại Type 81 (bản sao BM-21 Grad của Liên Xô).
Được biết, việc sử dụng tổ hợp MLRS PHL-03 để bắn đạn cỡ nhỏ hơn đã được Quân đội Trung Quốc triển khai từ năm ngoái, nhằm hướng đến mục tiêu giảm bớt yêu cầu về sân bãi cũng như chi phí huấn luyện.
Đạn rocket 122 mm được bắn từ nòng pháo phản lực PHL-03 cỡ 300 mm của Trung Quốc
Không chỉ có Trung Quốc, mới đây Quân đội Azerbaijan cũng làm điều tương tự khi họ sử dụng pháo phản lực BM-30 Smerch để phóng đạn rocket 122 mm của BM-21 Grad trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật.
Hiện tại chưa có thông tin thực sự rõ ràng về cách làm đặc biệt trên, nhiều khả năng là các hệ thống MLRS này đã "kẹp lồng" vào bên trong ống phóng 300 mm một ống phóng nhỏ hơn cỡ 122 mm để bắn "đạn dưới cỡ".
Pháo phản lực BM-30 Smerch của Azerbaijan bắn đạn 122 mm của BM-21 Grad
Phương án trên có thể được coi là một cách làm đầy tính sáng tạo, không chỉ có tác dụng tiết kiệm trong công tác huấn luyện mà còn cực kỳ hiệu quả khi chiến đấu ngoài chiến trường.
Thực tế cho thấy không phải lúc nào cũng phát sinh tình huống yêu cầu phải hủy diệt mục tiêu có giá trị cao ở tầm xa bằng đạn rocket dẫn đường 300 mm, mà đôi khi chỉ cần một loại đạn cỡ nhỏ có tầm bắn ngắn hơn để tiêu diệt các mục tiêu đơn giản ở cự ly gần.
Việc huy động một tổ hợp MLRS "thứ cấp" để phối hợp cùng hệ thống đời cao sẽ khiến đội hình tác chiến trở nên cồng kềnh và tốn kém, cho nên sẽ là đơn giản hơn nhiều nếu như trang bị cho PHL-03 hay BM-30 vài ống phóng cỡ nhỏ kiểu "kẹp nòng" như trên để phụ trách giải quyết những đối tượng "dễ xơi".
Cách làm trên phần nào giống với những gì người Nga thực hiện trên tổ hợp phòng không S-400 Triumf của mình, khi họ tích hợp trên cùng một xe mang phóng tự hành cả ống phóng nhỏ của tên lửa 9M96 để đánh tầm thấp, bên cạnh ống phóng cỡ to của đạn 48N6 để diệt mục tiêu tầm cao và có giá trị lớn.
Pháo phản lực tầm xa PHL-03 của Trung Quốc bắn đạn thật