Vượt qua tầm bắn của pháo binh thông thường
Quân đội Nga hiện có một số tổ hợp pháo binh khi bắn ở tầm xa nhất, viên đạn được đẩy lên tầng bình lưu để tối ưu đạn đạo và giảm sức cản của môi trường xung quanh. Đây là yếu tố quan trọng giúp cải thiện tầm bắn của các tổ hợp pháo binh hiện đại. Đây là một trong điểm đặc biệt của pháo binh Nga so với các quốc gia khác trên thế giới.
Tổ hợp pháo Coalisia-SV. Ảnh: TASS
"Trong các tổ hợp pháo binh hiện tại của Nga, có hai tổ hợp pháo có khả năng bắn tầm xa nhờ đạn đạo bay trên tầng đối lưu, đó là pháo Pione và Coalisia-SV. Cụ thể, pháo 203mm Pione có tầm bắn tới 30-32km, nhưng khi sử dụng phương thức bắn đạn quỹ đạo siêu cao lên tầng bình lưu tầm bắn được cải thiện đáng kể", chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky đánh giá.
Theo lời ông V. Murakhovsky, viên đạn của pháo Pione được đẩy lên độ cao tầng bình lưu giúp tăng tầm bắn của tổ hợp lên 47km, còn đối với pháo Coalisia-SV, tầm bắn được tăng lên tới…70km. Đó là tầm bắn kỷ lục đối với pháo binh hiện đại.
Với tầm bắn xa, pháo binh hiện đại của Nga đã tiệm cận được khả năng của tên lửa đạn đạo chiến thuật với mục tiêu tung các đòn tấn công hỏa lực chết chóc vào hậu tuyến, cũng như các trận địa hỏa lực của đối phương.
Xét về lĩnh vực này, Nga đang đi trước Mỹ và phương Tây một bước. Để so sánh, tầm bắn của tổ hợp pháo Coalisia-SV xa hơn đáng kể so với tổ hợp M109 Paladin (Mỹ) sử dụng đạn nối tầm chỉ đạt 30km, A S90 Braveheart của Anh – 40km và AMX AuF1T của Pháp – 35km.
Pháo binh Nga khẳng định chỗ đứng trong thời đại tên lửa
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, trong tương lai gần, sẽ chưa có loại vũ khí nào có thể thay thế pháo binh truyền thống trong biên chế Quân đội Nga.
Dù với tiến bộ kỹ thuật, các tổ hợp tên lửa chiến thuật hiện đại như Tochka-U, Iskander có thể tấn công chính xác mục tiêu với sai số chỉ tính bằng m, nhưng do sự phức tạp của hệ thống và chi phí đắt đỏ, chúng không thể cạnh tranh được với pháo binh truyền thống trong các trận chiến quy mô và kéo dài.
Chính vì thế, pháo binh sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tác chiến, cũng như trang bị của Quân đội Nga trong tương lai.
Dù có ưu thế về tầm bắn, độ chính xác, nhưng tên lửa chiến thuật không thể cạnh tranh được với pháo binh về chi phí sử dụng, cũng như sự tin cậy trên chiến trường . Ảnh: warfare.ru |
"Tên lửa là sản phẩm vũ khí đắt đỏ. Nó thường sử dụng để tấn công và tiêu diệt các mục tiêu có giá trị chiến thuật cao. Pháo phản lực phóng loạt thì phù hợp cho nhiệm vụ hủy diệt diện rộng, như: Sân bay, kho tàng, trận địa phòng không.
Trong khi đó, pháo binh truyền thống có thể thực hiện được tất cả các nhiệm vụ trên khi sử dụng loại đạn phù hợp", chuyên gia V. Murakhovsky đánh giá.
Chuyên gia V. Murakhovsky nhấn mạnh, việc sử dụng các loại vũ khí chính xác cao như tên lửa và đạn thông minh chỉ phù hợp với đối phương không có khả năng chế áp điện tử và hệ thống phòng không mạnh mẽ:
"Nếu đối phương có đủ phương tiện gây nhiễu và đối kháng điện tử đủ vô hiệu hóa kênh dẫn đường vô tuyến và định vị vệ tinh GPS hay GLONASS, tất cả những thứ vũ khí thông minh bạn có sẽ trở thành đồ vô dụng. Khi đó pháo binh với phương thức dẫn đường truyền thống bằng "bút và bản đồ" sẽ là sự lựa chọn không tồi".
Cuộc cách mạng đối với pháo binh Nga
Các nhà phát triển pháo binh thế giới, trong đó có Nga đang nỗ lực cải thiện độ chính xác của các phát bắn. Hiện tại, Nga đang có hàng loạt chương trình phát triển đạn có điều khiển mới giúp sai số mỗi phát bắn được chỉ còn được tính bằng m. Đây là một phần trong chiến lược phát triển Binh chủng Pháo binh về dài hạn của Nga.
Một trong những chương trình phát triển đạn pháo thông minh của Nga được biết tới nhiều nhất là Krasnopol. Dòng đạn có điều khiển chỉ thị mục tiêu bằng tia la-de này có thể tiêu diệt chính xác mục tiêu được trinh sát chỉ thị.
Đạn pháo thông minh Krasnopol. Ảnh: warfare.ru |
Nga đang phát triển dòng đạn pháo mới có tích hợp hệ thống định vị vệ tinh GLONASS.
Đạn đạo của dòng đạn pháo mới khá đặc biệt: Khi đạt độ cao tối đa, hệ thống dẫn đường của đạn căn cứ vào vị trí mục tiêu đã được nạp trước trong hệ thống để điều khiển đạn đánh trúng mục tiêu. Điều quan trọng là đạn thông minh mới có giá thành không cao hơn so với đạn pháo truyền thống.
Cùng với việc sử dụng đạn thông minh, một phương pháp đơn giản khác để tăng độ chính xác của mỗi phát bắn của pháo là tích hợp hệ thống ra-đa giám sát quỹ đạo bay của đạn lên bệ pháo. Nhờ việc tính toán quỹ đạo của mỗi viên đạn được bắn ra, hệ thống sẽ giúp hiệu chỉnh để các phát bắn có xác suất trúng mục tiêu cao nhất.
Hệ thống này hoạt động nhờ tính toán quỹ đạo quán tính và không phụ thuộc vào dẫn đường vệ tinh GLONASS nên có khả năng tự hành rất cao.
Ngoài ra, năng lực chiến đấu của pháo binh Nga còn được cải thiện nhờ hệ thống trao đổi thông tin hợp nhất - UTMS trang bị trên từng tổ hợp pháo. Hệ thống này cập nhật thông tin về bản đồ địa hình khu vực, vị trí các mục tiêu, tham số bắn và lệnh chỉ huy để tối ưu khả năng chiến đấu của các đơn vị chiến đấu trong khu vực.