Nga và Trung Quốc vớ bở nếu chính sách của Mỹ tại Nam Á “chết yểu”

Hồng Anh |

Việc Mỹ rút lui khỏi khu vực Nam Á sẽ mời gọi các quốc gia khác như Nga và Trung Quốc lấp đầy khoảng trống.

Khu vực Nam Á, trong phần lớn nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hầu như tĩnh lặng cho đến thời điểm đầu năm 2019, khi hai quốc gia Pakistan và Ấn Độ đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Căng thẳng leo thang kể từ tháng 2 sau khi phiến quân Jaish-e-Mohammed (JeM) tiến hành cuộc tấn công liều chết vào căn cứ quân đội Ấn Độ ở Pulwama, thuộc vùng tranh chấp Kashmir khiến 44 binh sĩ thiệt mạng. Để đáp trả, không quân Ấn Độ không kích căn cứ của JeM ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa Pakistan, đánh dấu cuộc không kích đầu tiên của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan kể từ năm 1971. Sau đó, lực lượng quân sự hai bên đã giao tranh ở khoảng một chục địa điểm biên giới. Quân đội Pakistan tuyên bố bắn hạ 2 máy bay Ấn Độ, bắt sống 1 phi công, còn Ấn Độ thì tuyên bố bắn hạ 1 tiêm kích F-16 của Pakistan trong một trận không chiến quần vòng.

Mới đây nhất, sau cuộc tổng tuyển cử kết thúc, hôm 22/5 vừa qua, Ấn Độ đã thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos (biến thể trên không). Dường như không chịu lép vế, Pakistan cũng thể hiện sức mạnh bằng việc phóng tên lửa đạn đạo đất đối đất Shaheen-II.

Như một lẽ tất nhiên, nhiều người dự đoán rằng, Mỹ - vốn được coi là nhà trung gian hòa giải truyền thống trong khu vực, sẽ đứng ra dàn xếp những căng thẳng này. Vậy nhưng lần đầu tiên kể những năm đầu 1990, Mỹ lại không đóng một vai trò quan trọng nào trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng. Trong bài viết có tiêu đề “Nhận thức về sự sụt giảm vai trò của Mỹ tại Nam Á” đăng tải trên tờ National Interest tác giả Minaam Shah, biên tập viên của tờ “Tạp chí hòa bình Châu Á” đã đưa ra những nhận định chi tiết về vấn đề này.

Lý do Mỹ xa rời cuộc khủng hoảng tại Nam Á

Những diễn biến mới và căng thẳng leo thang tại Nam Á thời gian gần đây cho thấy Mỹ đã để mất đáng kể tầm ảnh hưởng trong khu vực. Khác với trước kia, Mỹ không phái bất cứ một quan chức cấp cao nào tới giám sát cuộc khủng hoảng. Thay vì đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton chỉ thông báo với người đồng cấp Ấn Độ rằng Mỹ “ủng hộ quyền phòng vệ chính đáng của New Dehli chống lại các lực lượng khủng bố xuyên biên giới”, ngầm ám chỉ chấp thuận hành động quân sự của Ấn Độ.

Nhưng một số chuyên gia cho rằng, dù muốn ngăn cản Ấn Độ tấn công Pakistan, thì Mỹ cũng không đủ đòn bẩy để thực hiện. Trong bối cảnh đó, sự đồng tình của Mỹ được coi là cách tốt nhất để “giữ thể diện” cho nước này tách ra khỏi cuộc khủng hoảng. Đáng ngạc nhiên hơn, nhiều nhân vật tại Washington dường như không cảm thấy “áy náy” trước việc nước này từ bỏ vai trò trung gian tích cực tại Nam Á.

Những người ủng hộ sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với khu vực Nam Á đã đưa ra một số lý do chính. Thứ nhất là bởi vai trò của Mỹ đã trở nên mở rộng quá mức và quá sức. Tổng thống Trump từng cho rằng Mỹ đã can dự quá sâu vào các khu vực trên thế giới và giờ là lúc rút lại các cam kết ở nước ngoài. Quan điểm này bắt nguồn từ nhận thức cho rằng nhân lực và vật lực của Washington đang bị rút cạn trong quá trình can thiệp tại nước ngoài.

Tuy nhiên, Nam Á đại diện cho một trường hợp đặc biệt mà ở đó chính sách của Mỹ bị “tê liệt” hơn là vấn đề nảy sinh từ các cam kết. Mỹ chưa từng có sự hiện diện quân sự đáng kể tại Ấn Độ và Pakistan. Nước này cũng không có đại diện thường trực tại Pakistan – một người có thể tiếp cận với các nhà lãnh đạo Pakistan trong thời gian khủng hoảng. Bên cạnh đó, Washington cũng cắt giảm đáng kể tiền tài trợ cho Islamabad vào năm 2018.

Mặc dù Mỹ và Ấn Độ có quan hệ hợp tác gần gũi, nhưng hai bên lại khác biệt quan điểm về nhiều vấn đề. Tháng 4 vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ không cấp quyền miễn trừ các lệnh trừng phạt cho những quốc gia như Ấn Độ nếu nhập khẩu dầu thô của Iran. Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Ấn Độ Modi vẫn chưa diễn ra kể từ tháng 11/2017 và triển vọng cho một cuộc gặp như vậy cũng rất mờ nhạt

Lý do tiếp theo khiến Mỹ ngầm ủng hộ Ấn Độ là bởi Washington cần New Dehli để kiềm chế Trung Quốc. Đây là điều rõ ràng và hợp lý. Ấn Độ đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với chính sách của Mỹ nhờ vào vị trí địa lý và sự trùng khớp các lợi ích riêng của mỗi nước. Nhiều vấn đề như vấn đề như an ninh năng lượng, mối lo ngại Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, tương lai của Afghanistan, cấu trúc địa chính trị “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”… đều cho thấy sự hội tụ ngày càng gia tăng của các lợi ích chiến lược giữa hai nước.

Tuy vậy, Mỹ cũng cần phải hiểu rằng Pakistan có tầm quan trọng không kém với chiến lược của nước này. Để có thể tập trung đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc ở mạn phía đông, Ấn Độ cần sự ổn định tại biên giới phía tây giáp với Pakistan. Đây là lý do vì sao Mỹ phải có một số đòn bẩy nhất định để thương thuyết và buộc Pakistan đưa ra một số nhượng bộ nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực biên giới với Ấn Độ. Tuy nhiên, việc gây quá nhiều áp lực với Pakistan có thể gây phản tác dụng khi đẩy Pakistan gần hơn với Trung Quốc – một kịch bản mà cả Mỹ và Ấn Độ đều không muốn xảy ra.

Cuối cùng, một số ý kiến cho rằng lập trường hiện nay của Mỹ là muốn để Ấn Độ và Pakistan tự quyết định cách thức giảm căng thẳng với nhau. Bởi bất cứ động thái hòa giải nào của Mỹ cũng được xem là bênh vực Ấn Độ và đổ lỗi cho hành vi của Pakistan. Các lần trung gian hòa giải trước đây cho thấy Washington luôn gây thiện cảm với New Delhi khi kêu gọi Islamabad chấm dứt hỗ trợ khủng bố. Sự can thiệp của Mỹ do vậy đã giúp “hợp pháp hóa” mối lo ngại của Ấn Độ với Pakistan.

Kịch bản Nga và Trung Quốc thế chân

“Sự thờ ơ” của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng tại Nam Á dễ bị lầm tưởng rằng nước này đang rút lui và điều đó sẽ mời gọi các quốc gia khác như Nga, Trung Quốc lấp đầy khoảng trống. Từng có thông tin rằng Nga và Trung Quốc đóng một vai trò rất quan trọng phía sau “hậu trường” trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Trả lời phỏng vấn truyền thông, một quan chức cấp cao của Pakistan nói rằng: “Nếu tôi nói Nga đóng vai trò quan trọng nhất trong số các bên liên quan thì đây không phải là lời nói quá”. Tương tự, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng khẳng định, Trung Quốc đã đóng vai trò xây dựng trong việc giảm căng thẳng. Theo một số nguồn tin, nhiều khả năng việc Pakistan thả phi công Ấn Độ là do sức ép từ phía Trung Quốc.

Có một thực tế không thể chối cãi là Moscow và Bắc Kinh sẽ giành được nhiều chỗ đứng hơn tại Nam Á nếu Mỹ rút lui khỏi vai trò mà nước này từng đảm nhiệm. Đến nay, Trung Quốc đã thành công can dự vào trục quan hệ Ấn Độ - Pakistan.

Một mặt Trung Quốc giành được thiện cảm của New Dehli bằng cách rút lại quyết định phản đối Liên Hợp Quốc đưa Masood Azhar – thủ lĩnh nhóm vũ trang Jaish-e-Mohammed tại Pakistan vào danh sách các phần tử khủng bố, mặt khác Bắc Kinh cũng thể hiện sự ủng hộ mang tính biểu tượng với Islamabad trong các cuộc khủng hoảng.

Tương tự, Nga cũng dần gây dựng sự ảnh hưởng bằng cách thúc đẩy các hợp đồng bán vũ khí, chẳng hạn như hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ, đồng thời gạt bỏ mối căng thẳng với Pakistan kéo dài từ thời Chiến tranh Lạnh và từng bước cải thiện quan hệ với quốc gia Nam Á này. Cả Trung Quốc và Nga đều thể hiện cách tiếp cận mang tính cân bằng với các bên đối đầu tại Nam Á – điều mà Mỹ chưa từng thực hiện được.

Giới quan sát cho rằng, những người muốn Mỹ rút khỏi Nam Á đã đánh giá quá thấp mức độ nguy hiểm do hậu quả của khoảng trống quyền lực mà Washington để lại. Mỹ có những lợi ích quan trọng trong khu vực, từ việc xây dựng hòa bình ở Afghanistan đến kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương. Hiện thực hóa những mục tiêu này sẽ đòi hỏi Mỹ phải tham gia nhiều hơn vào các vấn đề trong khu vực, đặc biệt là giữa Ấn Độ và Pakistan./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại