Nga và Syria lộ rõ bất đồng về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, “chảo lửa” Idlib sắp nóng trở lại

Vũ Thu Hương |

Nga và Syria có những quan điểm khác nhau về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thuyết phục các tay súng của phiến quân rời khỏi tỉnh Idlib. Điều này đặt “chảo lửa” Idlib trước nguy cơ nóng trở lại.

Sự khác nhau trong vấn đề Idlib

Theo Newsweek, đồng minh Nga và Syria đang bất đồng về việc Thổ Nhĩ Kỳ có đang thực hiện tốt nhiệm vụ thuyết phục các tay súng của phiến quân rời khỏi Idlib, tỉnh còn do phiến quân kiểm soát giống như thỏa thuận mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 30/10 tuyên bố thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Tayyip Erdogan hồi tháng trước đã được thực hiện đầy đủ, báo Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.

Người phát ngôn của ông Putin Dmitry Peskov cũng nói với phóng viên rằng Điện Kremlin cũng đồng tình với quan điểm của phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện nhiệm vụ dỡ bỏ toàn bộ vũ khí hạng nặng cũng như buộc các nhóm phiến quân phải rời khỏi vùng phi quân sự ở Idlib, địa bàn cuối cùng còn do khủng bố kiểm soát.

Trong cuộc họp báo với sự góp mặt của ông Erdogan, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel hôm thứ 7 tuần trước, ông Putin tuyên bố rằng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang "thực hiện đúng sứ mệnh của mình dù cho không phải mọi điều đều diễn ra trọn vẹn".

Trong khi đó, trước đó cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định việc rút vũ khí hạng nặng phải hoàn thành trước ngày 15/10, nhưng thực tế theo Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem "khủng bố vẫn hiện diện cùng vũ khí hạng nặng ở trong khu vực này và điều đó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không muốn thực hiện nhiệm vụ của mình và do đó, Idlib vẫn nằm dưới sự kiểm soát của khủng bố".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Syria cũng thừa nhận rằng Syria vẫn đang hợp tác toàn diện với người bạn Nga về vấn đề Idlib.

Năm 2015, Nga bắt đầu can dự vào cuộc nội chiến ở Syria trong vai trò hỗ trợ Tổng thống Syria Assad chống khủng bố. Thời điểm Nga can dự vào Trung Đông, Mỹ đã triển khai mạnh việc chống khủng bố IS ở Syria nhưng Washington vẫn giữ quan điểm lật đổ chính quyền ông Assad.

Trong những năm gần đây, lực lượng vũ trang Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga đã giành được quyền kiểm soát hầu khắp lãnh thổ. Chỉ còn lại Idlib là vẫn nằm dưới tay khủng bố. Và chính phủ Syria dự kiến sẽ mở cuộc tấn công vào tỉnh này để tiêu diệt sạch khủng bố.

Tuy nhiên, cuộc tấn công này có thể gây nên làn sóng người tị nạn ở Idlib tràn sang các lãnh thổ xung quanh và Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải gánh hậu quả. Thổ Nhĩ Kỳ luôn lo ngại "cơn bão" người tị nạn sẽ tràn qua nước mình gây nên những bất ổn nên quyết ngăn cuộc tấn công vào Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn hợp tác cùng Nga và Iran trong nỗ lực mang lại hòa bình , chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm qua ở Syria.

"Chảo lửa" Idlib nóng trở lại

Nỗi lo thỏa thuận về Idlib của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bị phá vỡ tăng cao khi máy bay do thám Nga bị phòng không Syria bị bắn nhầm cũng như việc các nhóm khủng bố có liên quan Al-Qaeda từ chối rút khỏi vùng phi quân sự được thiết lập ở Idlib.

Nga tiếp tục cáo buộc các cường quốc phương Tây trợ giúp các nhóm phiến quân đang hoạt động ở Idlib dàn dựng vụ tấn công hóa học để lấy cớ can thiệp quân sự.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết các nhóm vũ trang cực đoan tại tỉnh Tây Bắc Idlib đang chuẩn bị cho một vụ tấn công hóa học để đổ lỗi cho quân đội chính phủ.

"Ngày càng có nhiều thông tin đáng lo ngại rằng một số nhóm khủng bố và cực đoan tiếp tục âm mưu thực hiện các hành động khiêu khích kinh khủng bằng cách sử dụng chất độc hóa học", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay.

Bộ này cho biết quân đội đóng tại Syria đã nắm được thông tin về âm mưu. "Thật đáng buồn trong những kẻ dàn dựng vụ tấn công đó có thành viên của tổ chức giả danh nhân đạo "Mũ bảo hiểm trắng" tai tiếng", bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Trong tuyên bố, bộ này cũng nói rằng mục đích chính của các hành vi trên là tạo cơ cho "đối thủ của chính phủ hợp pháp ở Damascus" tiến hành các hoạt động "xâm lược, giống như vụ tấn công tên lửa bất hợp pháp của Mỹ, Anh và Pháp vào Syria hồi tháng 4/2018".

"Những điều này sẽ hủy hoại nỗ lực thiết lập tiến trình chính trị, làm chậm việc khôi phục đất nước và đưa người tị nạn hồi hương", tuyên bố có đoạn viết.

Thực tế, ngoài nhóm Hay'et Tahrir al-Sham, vẫn còn có những nhóm thánh chiến cực đoan khác tuyên bố không tuân thủ thỏa thuận của Nga – Thổ về việc thành lập vùng phi quân sự như nhóm Hurras al-Deen và Ansar al-Islam.

Và nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không thuyết phục được các nhóm này rút quân, chính phủ Syria và đồng minh Nga sẽ buộc phải tự tay sử dụng giải pháp quân sự để giải phóng Idlib – điều mà có thể sẽ gây ra một thảm kịch nhân đạo quy mô lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại