Theo trang RT đưa tin, mới đây truyên thông Nga đã cho công bố video quảng bá cho Sputnik V - vaccine phòng Covid-19 chính thức đầu tiên của thế giới. Nội dung video mô tả vaccine (vốn được đặt tên theo tên vệ tinh đầu tiên của nhân loại là Sputnik 1) lơ lửng trong vũ trụ, bắn đạn tiêu diệt virus corona khổng lồ đang bao bọc lấy cả tinh cầu này.
Video quảng báo vaccine Sputnik V của Nga
Được biết, đoạn video tạo ra bằng máy tính, được đăng tải trên trang web dùng để giải thích và quảng bá cho vaccine Sputnik V dưới sự bảo trợ của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga - đơn vị đầu tư phát triển vaccine.
Đầu tuần trước, Sputnik V đã trở thành vaccine phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới được đăng ký chính thức. Ngày 15/8, Nga thông báo quy trình sản xuất vaccine bắt đầu được tiến hành, với những mẻ đầu tiên được công bố trong một video khác.
Những liều vaccine đầu tiên được sản xuất như thế nào?
Vaccine Sputnik V có tên chính thức là "Gam-COVID-Vak", có quá trình điều chế dựa trên các nền tảng thử nghiệm trước đó, và được cấp phép sau 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Thông thường, một vaccine sẽ có 3 giai đoạn thử nghiệm, nhưng Sputnik V là một ngoại lệ do cơn khủng hoảng quá mạnh mẽ mà Covid-19 đã mang đến trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, chính vì điều này mà một số chuyên gia y tế các nước đang tỏ ý nghi ngờ, cho rằng Nga đã quá vội vã và liều lĩnh vì đốt cháy giay đoạn.
Trả lời vấn đề này, đại diện phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Gamaleya - nơi tạo ra vaccine Sputnik V - cho biết giai đoạn thử nghiệm 3 sẽ được tiến hành trên hàng chục ngàn tình nguyện viên. Họ lưu ý rằng vaccine vẫn chưa được lưu hành rộng rãi, ít nhất là cho tới tháng 1/2021. Nghĩa là hiện tại, chúng ta còn 4 - 5 tháng để quan sát hiệu quả và bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra.
"Chúng tôi đã nộp bản quy trình thử nghiệm hậu đăng ký vào ngày 17/8. Dựa trên sự chú ý của công chúng và truyền thông, tôi tin rằng Bộ Y tế Nga sẽ sớm xử lý và chấp thuận đơn yêu cầu trong vòng 1 tuần. Vậy nên trong 7 hoặc 10 ngày tới, việc thử nghiệm sẽ được tiếp tục," - Aleksander Gintsburg, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Gamaleya chia sẻ.
Nguồn: RT