Su-35.
Chiêu bài của Nga
Các chuyên gia nhận định, việc Nga gần đây thông báo sẵn sàng tổ chức đàm phán với Ankara để chuyển giao máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 có thể gây thêm căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ .
Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã thuê một công ty luật có trụ sở tại Washington vận động hành lang cho việc được chấp thuận trở lại chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ sau khi nước này bị đình chỉ vì mua hệ thống phòng không của Nga.
Washington nói rằng sự hiện diện của hệ thống S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tương thích với các hệ thống của NATO, đồng thời khiến F-35 có thể bị Nga nắm bắt các bí mật kỹ thuật.
Đơn đặt hàng trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ đối với khoảng 100 chiếc F-35 cũng đã bị Mỹ hủy bỏ, buộc Ankara phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế từ các đơn vị mua sắm khác và tập trung vào việc chế tạo máy bay chiến đấu của riêng mình.
Vào ngày 12/3, Valeria Reshetnikova, người phát ngôn Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Quân sự Liên bang Nga (FSMTC), cho biết: “Về kế hoạch tiềm năng của Ankara trong việc mua các máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 của Nga, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã được thông báo về thông số kỹ thuật đầy đủ. Nếu có yêu cầu từ Thổ Nhĩ Kỳ đối với các máy bay này, chúng tôi sẵn sàng đàm phán”.
“Từ khá lâu, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ý định thực hiện dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm TF-X của riêng mình. Trước đó Nga cho biết sẵn sàng xem xét khả năng hợp tác trong khuôn khổ chương trình này. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được yêu cầu tương ứng từ Ankara”, Reshetnikova nói.
Các nhà phân tích cho biết, việc Nga kêu gọi Ankara xem xét lại quyết định trước đó đối với Su-57 nhằm mục đích thu hút Thổ Nhĩ Kỳ xa rời Washington và tránh hai đồng minh NATO "thiết lập lại" mối quan hệ.
Aydin Sezer, một chuyên gia về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, cho biết việc Nga kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán mua máy bay do Nga sản xuất là một động thái chiến thuật nhằm duy trì hợp tác quân sự giữa Moscow-Ankara.
"Điện Kremlin biết rất rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua máy bay của Nga", Sezer nói với Arab News. “Dù quyết định mua thì sớm nhất cũng phải 10 năm nữa họ mới nhận được. Nga muốn nhắc nhở Thổ Nhĩ Kỳ về những cam kết chưa thực hiện trong khi cố gắng cắt đứt quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Biden ngay từ đầu”, ông nói.
Kể từ tháng 2, FSMTC đã tăng cường kêu gọi Ankara tiếp tục đàm phán về Su-35 và Su-37. Nga cung cấp cho các đối tác chiến lược phiên bản xuất khẩu của máy bay chiến đấu Su-57, được coi là thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình đa năng mới nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ “quên mất” S-400?
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu quan tâm đến Su-35 và Su-57 của Nga sau khi nước này bị Mỹ đình chỉ khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35 vào năm 2019. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mục sở thị máy bay Su-57 với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào năm 2019 trong một hội chợ hàng không tổ chức tại Moscow.
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Varank mới đây cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại thảo luận với Nga về việc mua Su-35 và Su-57.
“Chúng tôi chống lại máy bay của nước X, chúng tôi chống lại máy bay của nước Y. Nếu có một chiếc máy bay ở Nga đáp ứng cho nhu cầu hiện tại và không gặp vướng mắc khi đưa vào hệ thống và vận hành, tất nhiên chúng tôi có thể mua máy bay như vậy từ Nga hoặc một quốc gia khác ở châu Âu”, ông nói với Sputnik News hôm 11/3.
“Đây là những bình luận tương tự mà các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 khi vấn đề mua sắm S-400 bắt đầu nảy sinh”, Caglar Kurc, một nhà nghiên cứu về lực lượng quốc phòng và vũ trang, nói với Arab News.
“Mặc dù Varank không có trách nhiệm chính thức trong các quyết định mua sắm, nhưng tôi nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tận dụng con bài Nga để chống lại Mỹ, trong khi Nga có thể đang tìm kiếm một thương vụ mua bán khác”, Kurc nói, đồng thời cho rằng lần này lập trường của Mỹ là rất rõ ràng.
“Không có những thông điệp hỗn hợp như dưới thời chính quyền Trump. Hơn nữa, chính quyền Biden đã báo hiệu rằng mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ sẽ mang tính giao dịch cao hơn, có nghĩa là Mỹ sẽ không ngại gia tăng áp lực nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có quan hệ hợp tác quân sự -công nghiệp với Nga”, ông nói.
Theo Sezer, những động thái chính sách đối ngoại gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Nga băn khoăn.
“Ankara đã cam kết mua lô S-400 thứ hai vào năm ngoái, nhưng kể từ hai tháng nay, Ankara không có nỗ lực đàm phán nào như thể họ đột nhiên quên hết các cam kết trước đó”, ông nói.