Tờ Diplomat ngày 6.7 dẫn nguồn tin của trang China Military Online cho biết, Nga và Trung Quốc đang cân nhắc tiến hành cuộc tập trận hải quân thường niên Joint-Sea 2016 vào tháng 9 tới.
Trong cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói rằng hiện cả hai nước đang xem xét chi tiết cuộc tập trận, song không cung cấp thêm chi tiết.
"Thời gian và địa điểm của cuộc tập trận chung sẽ chỉ được quyết định bằng những cân nhắc về kỹ thuật chứ không phải vấn đề chính trị" - ông Ngô Khiêm nói.
"Kể từ khi Mỹ cố gắng kéo bè cánh ở Biển Đông, các cuộc tập trận chung cho thấy Trung Quốc cũng cần sự ủng hộ và thấu hiểu của cộng đồng quốc tế để bảo vệ tư cách chính đáng và duy trì sự ổn định trong khu vực" - người phát ngôn bổ sung.
Dự kiến tham gia cuộc tập trận Nga-Trung năm nay là Hạm đội Nam Hải - hạm đội chịu trách nhiệm ở Biển Đông. Chính vì yếu tố này, tờ Diplomat nhận định, cuộc tập trận dự kiến của Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Biển Đông.
Trung Quốc và Nga đã tổ chức 6 cuộc tập trận hải quân chung kể từ năm 2005. Trung Quốc lần đầu tiên đăng cai tập trận chung giữa hai nước vào năm 2012.
Năm 2015, Bắc Kinh và Mátxcơva tập trận hải quân tấn công đổ bộ ở vùng biển Nhật Bản, và tiến hành một cuộc tập trận hải quân nhỏ hơn ở Địa Trung Hải. Cả hai nước cũng đã tham gia vào các cuộc tập trận ba bên và đa phương khác.
Trung Quốc và Nga cam kết tăng cường sự ổn định chiến lược trên toàn cầu trong tuyên bố chung được ký kết giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin trong chuyến thăm ngày 25.6 của ông Putin tới Bắc Kinh.
Những thông tin suy đoán về địa điểm cuộc tập trận hải quân lớn nhất Nga-Trung được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng, đặc biệt trước ngày Toà trọng tài thường trực ở The Hague chuẩn bị ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông trong vài tháng qua. Chẳng hạn, Trung Quốc khởi động cuộc tập trận hải quân ở vùng biển này từ ngày 5.7, với phạm vi bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố, hành động này của phía Trung Quốc một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.