Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở thành phố Samarkand, Uzbekistan ngày 15/9. Ảnh: AP
Liên minh tài chính Nga- Trung đã manh nha từ lâu, nhưng tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) vừa qua, hai bên mới thống nhất thỏa thuận giao dịch đầu tiên với dầu mỏ và khí đốt bằng đồng nội tệ của nhau.
Đôi bên cùng có lợi
Theo thỏa thuận trên, Gazprom và Tập đoàn dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) sẽ thanh toán cho nhau bằng ruble và CNY theo tỷ lệ 50:50 trong hoạt động mua bán dầu thô và khí đốt qua đường ống Đông Siberia. Cam kết này giúp Nga tránh lệnh trừng phạt tài chính, vô hiệu hóa việc áp trần giá dầu.
Trong khi đó, Trung Quốc rộng đường tiếp cận với nguồn năng lượng khổng lồ, giá rẻ. Quan trọng hơn, đồng CNY được khẳng định vai trò trên thị trường năng lượng xuyên biên giới, qua đó giúp Trung Quốc nuôi hy vọng quốc tế hóa đồng nội tệ, nâng tầm ảnh hưởng quốc tế của mình.
Thương mại song phương Nga- Trung tăng 59,3% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là năng lượng, lúc cao điểm mỗi ngày 1,8 triệu thùng dầu Nga cập cảng Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc đủ sức tạo ra trục thương mại có thể đối trọng với Mỹ và phương Tây, qua đó tạo mối đe dọa đối với đồng USD.
Xáo trộn thị trường dầu mỏ
Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh SCO, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, đài CBS dẫn lời người đứng đầu Nhà trắng: “việc vi phạm các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine sẽ là một sai lầm rất lớn”.
Nhiều chuyên gia cho rằng liên minh ruble- CNY sẽ khiến USD mất “thị phần” không nhỏ, riêng tổng khối lượng giao dịch Trung - Nga có thể lên tới 200 tỷ USD mỗi năm. Nếu tính thêm các nước thành viên SCO và Liên minh Kinh tế Á- Âu (EAEU), con số còn lớn hơn.
Về lý thuyết, thỏa thuận nói trên giữa Nga và Trung Quốc sẽ mở ra cánh cửa cho các quốc gia nhập khẩu dầu, không chỉ cậy nhờ “đồng bạc xanh”, không nhất thiết phải tìm mọi cách xuất khẩu sang Mỹ để tăng dự trữ ngoại hối bằng USD; tác động gián tiếp đến chính sách tiền tệ quốc gia.
Có trong tay đồng tiền giao dịch và nhà cung cấp nguồn hàng khổng lồ, Trung Quốc có thể trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn sang các nước thứ 3. Theo đó, đồng CNY được khuếch trương mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, kịch bản giá dầu thấp khó xảy ra.
Đặc biệt, khi thỏa thuận này được thực hiện, cùng lúc xuất hiện nhiều thị trường dầu mỏ: giá dầu áp trần của G7, giá dầu thị trường xám, giá dầu giao dịch bằng USD, ruble, CNY...
Thỏa thuận Nga- Trung sẽ tác động trực tiếp đến quyền lực hệ thống petrodollars, nhưng hệ thống này vẫn lấn át phần còn lại. Với những nước nhỏ, tiếp cận thị trường năng lượng “phi dollars hóa” sẽ có nhiều rủi ro.