Nga trình làng siêu tàu lớp Lider
Theo hãng thông tấn TASS, Triển lãm và Hội nghị Hàng hải quốc tế lần thứ 17 (NEVA 2023) vừa diễn ra tại St. Petersburg từ ngày 18-21/9. Sự kiện này có các phái đoàn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Singapore, cùng nhiều quốc gia khác tham dự.
Ban tổ chức cho biết, sự quan tâm của các quan khách quốc tế đối với NEVA đã vượt quá mong đợi. Do đó, trong quá trình chuẩn bị, địa điểm triển lãm đã được mở rộng và bổ sung thêm gian hàng mới. Có khoảng 700 đơn vị tham gia triển lãm lần này, với 30.000 khách tham quan và đại biểu tới dự.
Thành phần quan trọng và nổi bật tại triển lãm là các mẫu tàu do Nga chế tạo. Hãng tin Sputnik cho biết, vì một số lý do khách quan nên những con tàu này không được giới thiệu với kích thước đầy đủ, chúng chỉ ra mắt dưới dạng mô hình.
Cụ thể, Tập đoàn đóng tàu Ak Bars (trụ sở chính tại Cộng hòa Tatarstan - một chủ thể liên bang của Nga) đã giới thiệu dòng tàu dân dụng được phát triển dựa trên các nguyên lý di chuyển truyền thống và phi truyền thống (tàu cánh ngầm và lướt mặt nước) để phục vụ các mục đích khác nhau.
Ak Bars đang sở hữu tới 18 công ty con, cùng 10.000 nhân viên. Một trong những cơ sở sản xuất chính của tập đoàn là nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky - được biết đến rộng rãi tại Việt Nam.
Một cái tên đáng chú ý khác tham gia NEVA 2023 là Tổ hợp đóng tàu Zvezda (Vùng Primorye, Viễn Đông). Đây là nhà máy đầu tiên của Nga đóng được những con tàu trọng tải lớn.
Tại NEVA 2023, Zvezda đã trình làng các tàu chở dầu AFRAMAX được Nga chế tạo đặc biệt. 12 chiếc tàu loại này đã được hạ thủy, 4 tàu được giao cho khách hàng. Hiện tại, chiếc thứ 5 đang trong quá trình thử nghiệm.
Theo kế hoạch, Zvezda sẽ đóng tổng cộng 60 tàu chở dầu, trong đó công tác hoàn thiện 23 tàu đang được tiến hành tích cực.
Thu hút sự quan tâm lớn nhất trong các sản phẩm của Zvezda là tàu phá băng lớp Lider. Theo Sputnik, đây là siêu tàu phá băng nguyên tử mạnh nhất thế giới, được thiết kế để đảm bảo hoạt động di chuyển quanh năm cho tàu thuyền dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc.
Năng lực áp đảo
Tàu phá băng nguyên tử lớp Lider có lượng giãn nước đầy tải lên tới gần 70.000 tấn, lớn hơn cả tàu sân bay duy nhất đang phục vụ Hải quân Nga (58.000 tấn). Đi kèm với con số khổng lồ này là năng lực hoàn toàn áp đảo.
Tàu lớp Lider có chiều dài 209,2m, trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân RITM-400 với công suất nhiệt 315W, cho phép cung cấp tới 120 MW công suất thực cho 4 chân vịt của tàu. Nó có khả năng phá lớp băng dày 4,3 mét ở tốc độ 2 hải lý/giờ.
Với lớp băng dày 2,1 mét, tàu lớp Lider có thể phá băng với tốc độ 12 hải lý/giờ, tương đương tốc độ hành trình trên biển của các tàu phá băng phương Tây.
Đặc biệt, với bề rộng 50 mét, Lider có thể mở đường xuyên Bắc Cực cho bất cứ tàu chở hàng cỡ lớn nào, tại bất cứ thời điểm nào trong năm, giúp chúng có thể vượt qua Bắc Băng Dương trong 10 ngày, giảm hơn nữa thời gian so với trước kia.
Bên cạnh đó, khả năng phục vụ liên tục trong vòng 8 tháng (có thể nhiều hơn nếu được tiếp tế nhu yếu phẩm) của Lider có thể mang tới cho Nga ưu thế tuyệt đối ở Bắc Cực.
Chỉ duy nhất một chiếc được chế tạo
Tờ Barents Observer cho hay, tàu phá băng lớp Lider được chế tạo rất phức tạp và có chi phí cực kỳ cao. Vào tháng 1/2020, chính phủ Nga đã phân bổ 127 tỷ rúp để đóng chiếc đầu tiên.
Theo kế hoạch ban đầu, Nga sẽ đóng 3 chiếc Lider. Tuy nhiên, trong Chiến lược Bắc cực mới do Nga công bố, nước này sẽ chỉ chế tạo 1 chiếc tàu duy nhất thuộc lớp Lider. Văn bản sửa đổi được Tổng thống Putin ký ngày 27/2 năm nay.
Chiếc tàu mang tên "Rossiya" đang được hoàn thiện tại nhà máy Zvezda và dự kiến sẽ sẵn sàng ra khơi năm 2027.
Nga sẽ bù đắp việc giảm số lượng tàu lớp Lider bằng cách đóng thêm tàu phá băng lớp LK-60Ya với chi phí rẻ hơn. Hiện tại, Nga đã có 3 tàu phá băng LK-60 đang hoạt động, bao gồm các tàu Arktika, Sibir và Ural.
Tới năm 2035, các tàu Yakutia, Chukotka, Kamchatka và Primorie thuộc lớp này cũng sẽ được hoàn thiện.