Nga trả xe tăng Magach bị Syria bắt sống cho Israel

Toàn Thắng |

Theo đề xuất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, mới đây Nga vừa trả lại nước này một chiếc xe tăng Magach (một phiên bản Israel hóa xe tăng Mỹ M48).

Trung tâm báo chí của lãnh đạo chính phủ Israel vừa cho biết, Nga đã quyết định trả về cho nước này chiếc xe tăng Magach, bị quân đội Syria chiếm giữ trong chiến dịch mang tên “Operation Peace of the Galilee” (Chiến dịch “Hòa bình cho Galilee”), và sau đó được đưa sang Liên Xô như một chiến lợi phẩm trong những năm đầu thập niên 1980.

Được biết, chiếc xe tăng Magach (là phiên bản Israel nội hóa xe tăng Mỹ M48), bị quân đội Syria bắt sống năm 1982, trong cuộc chiến Lebanon lần thứ nhất (tức Chiến tranh Trung Đông lần thứ 5), và kể từ đó đã được trưng bày trong một bảo tàng ngoại ô Moscow.

Theo nguồn tin trên, vấn đề này được quyết định bởi các lãnh đạo Liên bang, đáp ứng với yêu cầu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, khi ông đến thăm Moscow hồi tháng 4 vừa qua và theo kế hoạch, một lần nữa sẽ đến Thủ đô Nga vào đầu tháng 6 này.

Cơ quan báo chí của Thủ tướng Israel trích dẫn phát biểu của ông Netanyahu cho biết, chiếc xe tăng này là bằng chứng duy nhất của chiến dịch mang tên “Operation Peace of the Galilee” (Chiến dịch “Hòa bình cho Galilee”), nên nó sẽ trở về Israel nhờ thiện chí của Tổng thống Putin.

Được biết, Lebanon được Pháp tách ra từ tỉnh Ottoman của Syria hồi thế kỷ 19, đến năm 1943, Lebanon giành được độc lập. Nhiều cuộc xung đột nảy lửa đã nổ ra giữa Israel và cộng đồng người Ả Rập vào năm 1948, trong đó có lực lượng thuộc Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Những năm tháng loạn lạc này, 110.000 người Palestine đã dạt sang miền Nam Lebanon tị nạn. Cuộc nội chiến ở nước láng giềng Jordan nổ ra trong giai đoạn 1970 - 1973 đã đẩy thêm hàng ngàn người Palestine ở Jordan sang Lebanon, khiến lực lượng PLO lớn mạnh không ngừng.

Năm 1975, từ 300.000 người Palestine ở Nam Lebanon, lực lượng PLO đã chiêu mộ được hàng vạn quân, trở thành một “cái gai” mà Israel luôn muốn nhổ đi.

Ngày 10/7/1981, Israel đánh bom vào các mục tiêu ở Nam Lebanon được cho là nơi quân PLO cư trú. Lực lượng PLO đáp trả bằng việc bắn rocket vào những cứ điểm ở phía Bắc Israel. Suốt gần 1 năm giao tranh, 29 lính Israel đã tử trận và 300 người khác bị thương.

Tất cả những vụ tấn công của PLO vào cực Bắc Israel đều bị cho là tấn công khủng bố, cần phải có giải pháp đáp trả xứng đáng. Một chiến dịch quân sự quy mô được Israel vạch ra và gấp rút thực hiện.

Ngày 4/6/1982, lấy cớ đại sứ của họ tại Anh bị sát hại, Israel cho không quân tiến công Bộ Chỉ huy và các căn cứ của PLO tại Lebanon.

Nga trả xe tăng Magach bị Syria bắt sống cho Israel  - Ảnh 1.

Magach là xe tăng của quân đội Israel (IDF) sản xuất và nâng cấp theo nguyên mẫu tăng M48 Patton của Mỹ

Ngày 6/6/1982, quân đội Israel, dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Quốc phòng Ariel Sharon, ào ạt đổ vào miền Nam Lebanon trong một chiến dịch mang tên “Operation Peace of the Galilee”, với lý do chính là để bảo vệ những khu định cư ở phía cực Bắc Israel khỏi những cuộc tấn công khủng bố.

Chiến tranh ở Lebanon diễn ra giữa quân đội Israel với PLO (được sự hỗ trợ của quân đội Syria), được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là một cuộc chiến tranh thông thường có giới hạn bởi cả Israel và Syria, kéo dài từ 6/6/1982 đến 23/8/1982. Giai đoạn thứ hai, kéo dài hơn ba năm sau, là một chiến dịch chống nổi dậy và truy quét lực lượng PLO của quân đội Israel.

Trong giai đoạn 1, các lực lượng Israel có lợi thế là yếu tố bất ngờ, đồng thời có quân số và vũ khí vượt trội. Syria điều động tham chiến sáu sư đoàn và 500 máy bay, trong khi Israel có mười một đơn vị xe tăng và mười một lữ đoàn bộ binh, cùng với 600 máy bay.

Quân đội Syria và PLO chống trả quyết liệt, song đã bị thiệt hại nặng nề. Sau khi lập ra một vùng đệm 40 cây số, quân Israel tiếp tục tiến về phía Bắc, chiếm luôn thủ đô Beirut.

Cần phải nói thêm rằng, trong những năm Lebanon nội chiến (kéo dài từ năm 1975 - 1990), PLO đóng vai trò khá quan trọng trong việc dàn xếp các xung đột. Khi chiếm đóng Lebanon, Israel tiến hành giai đoạn 2 là truy đuổi quân PLO ra khỏi Lebanon, buộc họ phải rút đến các nước Arab khác.

Tháng 6/1985, quân đội Israel rút khỏi Lebanon, nhưng lấy cớ quốc gia thân cận của Lebanon là Syria hậu thuẫn cho PLO và Hezbollah ở miền Nam, Israel chiếm đóng một phần phía nam Lebanon để làm vùng đệm rộng khoảng 850 km2, nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công của Hezbollah (do Iran và Syria đỡ đầu) vào lãnh thổ nước này.

Quân đội Israel vẫn duy trì lực lượng ở đây cho đến tận tháng 5/2000 mới rút hoàn toàn. Kết thúc cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ năm này, cả hai bên bị chết và bị thương gần 200 nghìn người, gần 2 triệu người Arab bị phiêu bạt đi nơi khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại