Nga tổn thất nặng nếu Mỹ dàn xếp mâu thuẫn S-400 với đồng minh

Kiệt Linh |

Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/4 đã tiếp tục nhắc lại lời đề nghị với Mỹ về việc thiết lập một nhóm làm việc chuyên môn bao gồm NATO để giúp hai nước giải quyết bất đồng sâu sắc quanh việc Ankara mua các tên lửa S-400 của Nga.


Mối quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào căng thẳng cao độ từ năm ngoái khi Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, khiến Washington phải lên tiếng đe dọa tung ra các biện pháp trừng phạt và loại bỏ Ankara ra khỏi chương trình máy bay F-35.

Mỹ cho rằng, các tên lửa S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa đến khả năng tàng hình của những chiếc chiến đấu cơ F-35 của họ. Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ điều này và khẳng định S-400 sẽ không được tích hợp vào hệ thống phòng thủ chung của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến vấn đề S-400 có phần bị lãng quên, mối quan hệ song phương giữa Ankara và Moscow đã bị giáng một đòn nặng nề do việc Nga ủng hộ cho chiến dịch tấn công quân sự của Tổng thống Bashar al-Assad vào tỉnh Idlib - chiến trường tây bắc Syria.

Hồi đầu tháng Ba, khi cuộc chiến giữa quân đội Syria với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria leo thang, Ankara đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mỹ trong vấn đề đạn dược và hỗ trợ nhân đạo cho hàng trăm ngàn dân thường tháo chạy khỏi cuộc chiến.

Kể từ đó, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều gần như im lặng trong vấn đề S-400. Trước đây, Ankara tuyên bố sẽ kích hoạt hệ thống tên lửa S-400 của họ từ tháng Tư nhưng đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện lời tuyên bố nói trên.

Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đang muốn hàn gắn quan hệ với đồng minh Mỹ. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu công khai tuyên bố nước này sẵn sàng mua các khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ và ưu tiên mua các hệ thống như vậy hơn là mua S-400 của Nga.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ dàn xếp được bất đồng trong vấn đề S-400 thì điều này sẽ gây ra tổn thất rất lớn đối với Nga. Moscow không chỉ mất đi một đồng minh mà nước này vừa lôi kéo được mà còn mất đi các hợp đồng vũ khí béo bở.

Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn mua thêm các hệ thống S-400 của Nga nhưng nếu Mỹ sẵn sàng cung cấp Patriot thì đây sẽ là dấu chấm hết cho hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Ankara cũng đang ngắm nghía Su-35 của Nga.

Tuy nhiên, nếu mâu thuẫn S-400 được hóa giải, đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quay lại chương trình F-35 của Mỹ và như vậy Moscow sẽ không thể cung cấp Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

S-400 Triumf là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumf có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại