Thổ Nhĩ Kỳ tức giận
Nguyên nhân bất đồng là do Moskva quyết định mời đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) - chính đảng chủ chốt của người Kurd tại Syria - tham dự đại hội toàn quốc đầu tiên của người Syria, do Nga bảo trợ, tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Sochi, Nga ngày 18/11 tới. Moskva cam kết mời tất cả các đảng phái đối lập tại Syria tham gia đại hội.
Phát ngôn viên của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin ngày 1/11 gọi việc Nga mời đại diện PYD và lực lượng gắn kết với họ là Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tới Sochi là "không thể chấp nhận". Ông tuyên bố chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là hành động "áp đặt".
PYD, hiện cùng YPG kiểm soát khoảng 1/4 lãnh thổ Syria, đã mở văn phòng đại diện tại Moskva vào tháng 2/2016, và được Nga ghi nhận là một nhân tố hợp pháp, có sức ảnh hưởng trong lộ trình tái thiết Syria.
Trong khi đó, Ankara coi PYD là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỳ - tổ chức đã nổi lên đòi quyền tự trị cho khu vực người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq từ thập niên 1980 và bị chính phủ nước này liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Ankara đã phủ quyết quyền tham dự của PYD trong các cuộc hòa đàm về Syria trước đây.
"Chúng tôi đã truyền đạt phản ứng của mình [với Nga] ngay lập tức," ông Ibrahim Kalin phát biểu với báo giới. Ông thêm rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đồng thuận với lời mời của Nga gửi tất cả các nhóm người Kurd khác tại Syria, trừ PYD.
Ông Kalin giải thích, trong vòng đám phán hòa bình thứ 7 về vấn đề Syria, do Nga-Thổ dẫn dắt, tổ chức ở Astana hồi đầu tuần, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với phía Nga rằng "những sáng kiến như vậy sẽ không được hoan nghênh".
Phe đối lập Syria tuyên bố hôm 1/11 rằng họ lo ngại về bất kỳ đại hội nào do Nga bảo trợ, và bày tỏ ủng hộ các phương hướng hòa đàm do Liên hợp quốc đứng đầu tổ chức tại Geneva - hiện tiến hành song song với các vòng hòa đàm Astana.
Đại diện các bên tham dự vòng đám phán hòa bình về Syria tại thủ đô Astana của Kazakhstan, ngày 31/10/2017 (Ảnh: REUTERS/Mukhtar Kholdorbekov)
Nga phớt lờ Thổ Nhĩ Kỳ, lôi kéo người Kurd để đối trọng Mỹ
Ông Nursin Atesoglu Guney, hiệu trưởng trường Đại học Bahcesehir Cyprus (Thổ Nhĩ Kỳ), lý giải Nga có thể nhìn nhận việc mời PYD/YPG tới hội nghị ở Sochi là công cụ để giành được sự thỏa hiệp và nhượng bộ từ các phe phái trong khu vực.
"Nga luôn giữ quân bài PYD trong tay," Guney nói với Arab News. "Nhưng phải thấy là Ankara cũng sẽ không nhân nhượng trong vấn đề này."
Ông nhấn mạnh ý định của Moskva về việc đưa đại diện PYD/YPG đến Sochi cũng cần được đánh giá qua "lăng kính về cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ trên thực địa", bởi các đảng phái của người Kurd nhận hậu thuẫn lớn từ liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại Syria.
Học giả này cho rằng quan hệ Nga-Thổ vốn được xây dựng trên nền tảng của nhiều vấn đề, nên một bất đồng như thế này có khả năng được giải quyết nhanh chóng mà không leo thang.
Emre Ersen, nhà phân tích về Syria tại Đại học Marmara ở Istanbul, nói Ankara và Moskva đang rất cần dựa vào nhau để duy trì tình hình ổn định ở 4 vùng giảm căng thẳng của Syria do họ đồng thuận dựng nên, đặc biệt là ở tỉnh Idlib - nơi hai nước "vẫn có những khác biệt căn bản về vấn đề người Kurd ở Syria".
Ersen tin rằng ưu tiên của Moskva là "buộc người Kurd ở Syria phải thỏa hiệp với chính quyền [tổng thống Syria] Assad".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (Ảnh: AP)
Theo ông, đại hội ở Sochi có thể tạo điều kiện cho tiến trình này, bởi một dự thảo hiến pháp Syria do Nga hỗ trợ xây dựng hồi năm ngoái có bao gồm các điều khoản về trao quyền tự chủ văn hóa cho người Kurd.
"Điều thú vị là chính quyền ông Assad cũng ra dấu rằng họ cởi mở trước ý tưởng dành quyền tự trị cho người Kurd," Ersen nói.
"Do đó, họ có thể tìm được mẫu số chung với người Kurd, nhờ vào tác động của Moskva. Nếu Nga làm được điều này, họ cũng có thể kéo người Kurd Syria ra khỏi quỹ đạo của Washington".
Tuy nhiên, ông cảnh báo "như phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ trước việc mời PYD đến đại hội toàn quốc sắp tới, có thể thấy Ankara không hài lòng về tầm nhìn mà Moskva hướng tới".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tỏ ý quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể hướng về khu vực Afrin ở vùng Đông Bắc Syria - hiện do YPG kiểm soát, sau khi chiến dịch của họ ở Idlib hợp tác với lực lượng Nga hoàn tất.
Emre Ersen chỉ ra, hòa đàm Astana là cơ chế quan trọng để Moskva bảo đảm các tham vọng khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran được giám sát, và không bên nào chiếm được những "đòn bẩy địa chính trị trọng yếu" riêng rẽ với Nga tại Syria.
"Moskva vẫn cần tìm cách xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó tiến hành tầm nhìn riêng [của Moskva] ở Syria," ông nói thêm. "Nga có thể nhượng bộ nhỏ với Thổ trong vấn đề Afrin, nếu Ankara lặng lẽ chấp thuận tầm nhìn của Nga về tương lai Syria".
[VIDEO] Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào tỉnh Idlib, Syria