Hãng Sputnik ngày 28/12 dẫn lời chuyên gia Trung tâm nghiên cứu quân sự và chính trị thuộc trường MGIMO trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Korovin cho biết, trong năm 2017, tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga đã nhiều khai hoả chống lại các cuộc phản công của những nhóm khủng bố quốc tế ở Syria.
Mới đây nhất, tổ hợp pháo – tên lửa Pantsir-S1 đã phá hủy hai quả tên lửa do khủng bố phóng vào căn cứ không quân Hmeymim tại Latakia.
"Đây không phải là lần đầu tiên các tổ hợp tên lửa Nga khai hoả. Trong năm 2017, những trường hợp tương tự đã xảy ra nhiều lần. Đã có khoảng chục lần Pantsir-S1 phản công đẩy lùi các cuộc tấn công tên lửa của khủng bố", ông Korovin nói.
Theo chuyên gia Trung tâm nghiên cứu quân sự và chính trị thuộc trường MGIMO trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, khủng bố ở Syria có "tất cả các loại hệ thống tên lửa sản xuất trong nước và có những thứ được cung cấp trước đó. Chúng có thể được gọi là phiên bản tương tự hệ thống tên lửa bắn loạt Grad".
Hôm 13/12, người đứng đầu Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Hội đồng Liên bang Nga, ông Viktor Bondarev cho biết, Moscow không rút Pantsir-S1 khỏi Syria.
"Không nên đưa chúng đi khỏi đó. Đây là những phương tiện có thể ngay lập tức tiêu diệt các mục tiêu trên không. Tôi đã nói rằng, chính sự xuất hiện của các hệ thống này đã thiết lập lại trật tự trên bầu trời Syria. Pantsir đã tiêu diệt được cả những máy bay không người lái với số lượng không thể thống kê được" – Bondarev giải thích.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 (tên ký hiệu NATO SA-22 Greyhound) là một hệ thống súng - tên lửa tầm ngắn đến tầm trung kết hợp một cỗ xe gắn radar kiểm soát hỏa lực và cảm biến quang điện, 2 khẩu pháo nòng kép 2A38M cỡ 30 mm và 12 tên lửa phòng không tầm thấp 57E6.
Được mệnh danh là "mãnh thú", Pantsir-S1 được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt mọi mục tiêu trên không như máy bay, trực thăng, bom dẫn đường hay tên lửa đạn đạo bay ở độ cao từ 5m đến 15km trong phạm vi từ 200m đến 20km chỉ trong vòng 5 giây.