Nga thừa thắng xông lên tấn công liên tục, Ukraine ở trong tình thế bấp bênh

Kiều Anh |

Các lực lượng của Ukraine ở phía Đông đang chật vật để tìm các tuyến phòng thủ mới trong khi quân đội Nga tiếp tục tiến công sau khi giành được Avdiivka Những gì đang diễn ra cho thấy sự thiếu thốn về pháo binh và các phương tiện khác ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của Kiev như thế nào.

Tình thế của Nga và Ukraine

Các lực lượng của Ukraine đã rút khỏi Avdiivka ngày 17/2 sau chiến dịch kéo dài 4 tháng của Nga đánh chiếm thành phố này. Ngày 24/2, lực lượng phòng thủ Ukraine cũng rút khỏi làng Lastochkyne, cách Avdiivka 3km về phía Tây và chưa bao giờ có cơ hội để xây dựng phòng tuyến đúng cách dưới hỏa lực liên tục của đối phương.

"Không có phòng tuyến nào được xây dựng ở đây và các binh lính phải rút khỏi các cuộc giao tranh ở Avdiivka và giành chỗ đứng trong quá trình giao tranh", một phóng viên chiến trường của Ukraine viết trên Telegram, đồng thời dự đoán điều tương tự cũng diễn ra ở các điểm rút quân khác.

Nga thừa thắng xông lên tấn công liên tục, Ukraine ở trong tình thế bấp bênh- Ảnh 1.

Pháo phản lực M142 HIMARS phóng tên lửa về phía các vị trí của Nga vào tháng 12/2023. Ảnh: Getty

3 ngày sau, quân đội Ukraine rút khỏi các ngôi làng Stepove và Sieverne ở phía Bắc và phía Nam Lastochkyne, sau những trận giao tranh ác liệt trong đêm.

Oleksandr Tarnavskyi, Chỉ huy Nhóm chiến đấu Tavria của Ukraine ngày 27/2 cho biết phòng tuyến đã ổn định dọc trục Tonenke-Orlivka-Berdychi, một dãy gồm 3 ngôi làng ở ngay phía Tây Lastochkyne nhưng điều đó khá bấp bênh. Đoạn video được định vị địa lý vào ngày hôm sau cho thấy quân đội Nga ở phía Đông Nam đang tiếp cận Orlivka.

Người phát ngôn Nhóm Tavria - ông Dmytro Lykhoviy cho biết các lực lượng của Nga đã tăng cường quy mô các đơn vị tấn công từ các tiểu đội đến trung đội và thậm chí là các đại đội. Một tiểu đội có quy mô nhỏ chỉ khoảng 5 - 6 binh lính. Trung đội gồm khoảng 50 binh lính và một đại đội có thể bao gồm 200 binh lính.

Quân đội Nga cũng tuyên bố ngày 26/2 sẽ tiến công tới ngoại ô Ivanivske, ngôi làng ở phía Tây Bakhmut, thành phố đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga vào tháng 5 năm ngoái.

Các lực lượng của Nga cũng tuyên bố đã giành được Robotyne, ngôi làng quân đội Ukraine từng giành lại trong cuộc phản công mùa hè năm ngoái ở đầu phía Tây của mặt trận, tại Zaporizhia.

Đoạn video được công bố ngày 24/2 cho thấy quân đội Nga đã ở trung tâm Robotyne, nơi các phóng viên chiến trường cho biết họ đã đảm bảo được các vị trí kiên cố ở trung tâm tại một trường học và khu vui chơi giải trí. Quân đội Nga cũng tiếp tục tấn công các vị trí của Ukraine tại Krynky, nằm ở tả ngạn sông Dnipro ở Kherson song chưa thành công.

Kiểm soát trên không

Một lý do Nga thành công ở Avdiivka dường như là do các lực lượng của Moscow đã đảm bảo được ưu thế trên không trong khu vực và sử dụng lợi thế đó để thả bom lượn, vốn bay xa hơn và tấn công chính xác hơn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Nga thả hơn 3.200 quả bom lượn kể từ khi xung đột nổ ra. Ukraine đã nhắm vào các máy bay ném bom và các máy bay chỉ huy của Nga.

Ngày 27/2, Ukraine tuyên bố bắn hạ 2 máy bay ném bom Sukhoi-34 với ít nhất một trong hai chiếc ở phía Đông từng được sử dụng để thả bom lượn.

Ngày 23/2, quân đội Ukraine cũng tuyên bố bắn hạ 1 máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm A-50 của Nga trên bờ biển Azov. "Radar bay" A-50 được sử dụng để theo dõi hoạt động trên không và phòng không của đối phương. Moscow cũng sử dụng chúng để cung cấp tọa độ mục tiêu cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và tên lửa tầm xa.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine Kyrylo Budanov cho biết chiến dịch đã khiến Nga chỉ còn lại 6 chiếc A-50 ở chiến trường Ukraine và sẽ có nhiều chiếc bị bắn hạ.

Tổng thống Zelensky nhận định với các đối tác tại Paris rằng, mục tiêu chiến lược của Ukraine trong năm nay là tước đi ưu thế trên không của Nga, tương tự như cách nước này bị tước đi quyền kiểm soát Biển Đen và ưu thế trên bộ.

Ukraine từ lâu đã nhắm vào các máy bay trên của Nga bởi chúng rất khó thay thế. Nga chỉ sản xuất 40 máy bay A-50 và việc huấn luyện cho phi đội sẽ phải mất nhiều năm. Một số bài báo cho rằng chúng đóng vai trò quan trọng với những nỗ lực của Nga để bắn hạ các tiêm kích F-16 sắp được cung cấp cho Ukraine.

Cách đây 1 năm, các chiến đấu cơ đã ném bom căn cứ không quân Machulishchi ở Belarus - nơi Nga đậu một chiếc A-50, khiến nó bị hư hại. Ngày 15/1, Ukraine tuyên bố bắn rơi 1 máy bay A-50 trên Biển Azov cùng với 1 máy bay chỉ huy Ilyushin-22.

Ukraine cũng tiếp tục tấn công tầm xa vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và quốc phòng của Nga. Ngày 24/2, cơ quan tình báo và an ninh quân sự của Ukraine cho biết Kiev đã tổ chức một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thành công nhằm vào Nhà máy luyện kim Novolipetsk ở Lipetsk, cách Moscow 370km về phía Đông Nam. Nhà máy cung cấp thép để sản xuất pháo, tên lửa và máy bay không người lái.

Trong khi đó, Nga tiếp tục chiến dịch trên không, sử dụng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine. Từ 21 - 28/2, Ukraine tuyên bố bắn hạ 79 máy bay không người lái Shahed trong số 98 chiếc được phóng, cùng với một số tên lửa.

Phương Tây đang làm gì?

Các đối tác của Ukraine tiếp tục cam kết sẽ hỗ trợ nước này. Đan Mạch thông báo gói hỗ trợ quân sự trị giá 228 triệu USD, trong đó có 15.000 viên đạn. Đức cũng thông báo gói hỗ trợ quân sự mới bao gồm 14.000 quả pháo và máy bay trinh sát.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tập hợp 20 người đứng đầu chính phủ, trong đó có 15 nhà lãnh đạo EU tại Paris để thảo luận về việc tăng cường cung cấp đạn pháo cho Ukraine.

Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ có khả năng sản xuất 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào cuối 2024. Ông Macron cũng kêu gọi thành lập một liên minh mới để cung cấp cho Ukraine “bom và tên lửa tầm trung cũng như tầm xa để thực hiện các cuộc tấn công sâu”.

Pháp và Anh là những nước đầu tiên cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Storm Shadow và SCALP với tầm bắn 140km vào tháng 5/2023. Cho tới lúc đó, vũ khí tầm xa nhất mà Ukraine sở hữu là tên lửa HIMARS với tầm bắn 80km. Mỹ hiện đang cân nhắc về việc cung cấp tên lửa ATACMS có tầm bắn 300km và Ukraine tuyên bố đã phát triển được tên lửa có tầm bắn tới 700km.

Mặc dù “không có sự đồng thuận” về việc phương Tây đưa quân tới Ukraine nhưng “không có gì nên bị loại trừ. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột này”, ông Macron nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân nếu các thành viên NATO đưa quân tới Ukraine.

"Các nước phương Tây phải nhận ra rằng chúng tôi cũng có các vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Tất cả những điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt nền văn minh. Họ không hiểu điều đó sao", ông Putin tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại