Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Trong buổi họp báo hôm 28-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích rằng vụ nổ trên thực thế đã "gây ra nhiều vấn đề" cho Nga, bởi quốc gia của ông đã mất tuyến dẫn khí đốt sang châu Âu.
Cả 2 đường ống thuộc Nord Stream 2 đã được bơm đầy khí đốt và đã được chuẩn bị để chuyển khí đốt sang châu Âu vào thời điểm xảy ra vụ nổ, ông Peskov cho biết.
Ông Peskov đồng thời nhấn mạnh cả Nga lẫn châu Âu chẳng được lợi lộc gì từ vụ nổ nêu trên, nhất là Đức, bởi sự cố này là một mối đe dọa đối với sự phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp khí đốt, cũng như khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của quốc gia này.
Mặt khác, các nhà cung cấp khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đã kiếm được lợi nhuận đáng kinh ngạc khi đơn hàng của họ đến châu Âu tăng lên nhiều lần, ông Peskov nói thêm, theo đài RT.
Người phát ngôn Điện Kremlin đồng thời kêu gọi không đưa ra bất cứ cáo buộc nào khi chưa có kết quả điều tra chính thức.
Tuy nhiên, ông Peskov nhắc lại tuyên bố hồi tháng 2 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó ông chủ Nhà Trắng đe dọa "sẽ kết thúc" Nord Stream 2. Dù vậy, ông Peskov thừa nhận "chúng tôi không biết chính xác ý của ông ấy là gì".
Ảnh chụp nơi Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 28-9, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Ukraine vào Nga đã được tổ chức theo cách "tuân thủ nghiêm quy tắc và luật pháp quốc tế".
Theo Bộ Ngoại giao Nga, kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý đã chứng minh rằng người dân ở Donbass và Nam Ukraine không muốn quay lại cuộc sống trước đây và họ đã tự nguyện lựa chọn sáp nhập Nga.
Bộ Ngoại giao Nga đồng thời lưu ý rằng sau khi giám sát các cuộc trưng cầu dân ý, nhóm 133 quan sát viên quốc tế đến từ Venezuela, Ý, Đức, Latvia và các quốc gia khác cũng đã công nhận kết quả trưng cầu dân ý là hợp pháp.
Tỉ lệ cử tri ủng hộ sáp nhập Nga tại 4 vùng ở Ukraine. Ảnh: TASS
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điện đàm các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ để cảm ơn sự hỗ trợ của họ, cũng như để yêu cầu viện trợ quân sự bổ sung.
Tổng thống Zelensky còn kêu gọi các quốc gia này trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nga vì điều Kiev và phương Tây khẳng định là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp tại 4 tỉnh Ukraine bị Nga chiếm quyền kiểm soát một phần.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters