Nga thử ICBM là bình thường, điều khác thường nằm ở đầu đạn: quá nhanh, quá nguy hiểm!

Trung Phạm |

Theo nhận xét của các chuyên gia quân sự, những vụ thử tên lửa như thế này của Nga đều nhằm mục đích thách thức Mỹ và nhất là các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/12 cho biết, một đơn vị chiến đấu thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga vừa tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-12M Topol tại trường bắn Kapustin Yar, ở vùng Astrakhan phía Nam.

"Vụ phóng nhằm mục đích thử nghiệm đầu đạn tiềm năng cho các tên lửa đạn đạo"" - tuyên bố của Bộ Quốc phóng Nga viết. "Các chuyên gia đã thu thập được những dữ liệu thử nghiệm dùng để phát triển các biện pháp đối phó hiệu quả với hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như để ứng dụng thiết kế cho các tên lửa đạn đạo của Nga".

Bộ Quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh: "Tiến trình thử nghiệm và các hệ thống tính toán tại trường bắn Kapustin Yar cho phép kiểm nghiệm khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đầu đạn, gồm cả cấu hình tương lai, trong tất cả các điều kiện tấn công phục vụ lợi ích của Lực lượng tên lửa chiến lược và Hải quân".

Trong vụ phóng thử ngày 26/12, Kremlin không tiết lộ tên lửa đã bay bao xa, rơi xuống đâu và mức độ thành công của vụ thử như thế nào.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, trong vụ phóng lần này, Nga muốn tiếp tục thử nghiệm một công nghệ tên lửa mới với mục đích cụ thể là nhằm đối phó với những tiến triển gần đây về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Nga thử ICBM là bình thường, điều khác thường nằm ở đầu đạn: quá nhanh, quá nguy hiểm! - Ảnh 1.

Một vụ thử tên lửa Topol M của Nga năm 2001. Ảnh: Sputnik

Thử nghiệm công nghệ tên lửa mới?

Theo các nhà phân tích, tên lửa RS-12M Topol mà Nga phóng ngày 26/12 đã mang theo một thiết bị có khả năng tự dẫn để phóng các đầu đạn hạt nhân tấn công từng mục tiêu riêng rẽ với độ chính xác cực cao được gọi là "Phương tiện mang đa đầu đạn tấn công độc lập sau phóng (multiple independent post-boost vehicle - IPBV).

Ở đây, cần phân biệt IPBV với MIRV – Phương tiện hồi quyển (re-entry) đa đầu đạn phân hướng độc lập. MIRV là một thiết bị chứa trong nó nhiều đầu đạn, khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất các đầu đạn sẽ tách ra, tấn công từng mục tiêu riêng lẻ theo nhiều hướng khác nhau, qua đó cho phép một chiếc ICBM có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc. 

IPBV mà Nga có thể đã thử nghiệm hôm 26/12, theo các chuyên gia, cũng dựa trên khái niệm tương tự MIRV nhưng cho phép các đầu đạn tự điều chỉnh quỹ đạo độc lập thay vì chỉ được phóng thẳng tới mục tiêu như ở MIRV. Do đó, công nghệ IPBV có khả năng dẫn đường và tấn công mục tiêu chính xác hơn.

Mặc dù một tên lửa ICBM mang theo MIRV có thể phóng nhiều đầu đạn hạt nhân riêng lẻ, nhưng chúng đều được gắn vào một phương tiện đơn nhất, bay theo một đường tấn công tương đối thẳng. Như vậy, các đầu đạn chỉ có thể tấn công mục tiêu tương đối gần với đường bay của nó.

Trong khi với thiết kế IPBV, các đầu đạn có thể tự vạch đường, độc lập hơn với quỹ đạo của tên lửa chính, cho phép một quả ICBM đơn lẻ tấn công trên một diện tích rộng hơn. Nó cũng giúp cho việc định vị mục tiêu chính xác hơn vì các IPBV không bị giới hạn bởi đường bay duy nhất.

Nga thử ICBM là bình thường, điều khác thường nằm ở đầu đạn: quá nhanh, quá nguy hiểm! - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa Topol M tại bãi thử Alabino gần Moscow. Ảnh: Sputnik

Mục tiêu là hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

Vụ thử tên lửa RS-12M Topol của Nga diễn ra giữa lúc đang có nhiều mối lo ngại tăng cao liên quan tới lá chắn tên lửa của Mỹ cũng như những căng thẳng mới nổi giữa Moscow và Washington về các hiệp định giới hạn phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo giới quan sát, những động thái như thế này của Nga đều nhằm mục đích thách thức Mỹ và nhất là các hệ thống phòng thủ tên lửa. Washington liên tục khẳng định lá chắn tên lửa của họ không bộc lộ mối đe dọa với khả năng răn đe hạt nhân của Nga nhưng Kremlin thì luôn phản đối tuyên bố này của Mỹ.

Chính phủ Nga cũng không ngừng chỉ trích việc Mỹ phát triển các hệ thống siêu âm giúp nước này có khả năng tiến hành các cuộc không kích tầm xa vẫn được biết đến với tên gọi "đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu" (PGS) mà mục tiêu hướng tới là các tên lửa đạn đạo di động, các trung tâm chỉ huy điều khiển trọng yếu của Nga.

Do dó, vụ thử RS-12M cải tiến vừa qua được coi là nỗ lực hỗ trợ cho một chương trình lớn hơn đang được Nga đẩy mạnh phát triển là chế tạo các vũ khí chiến lược có thể đánh bại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Đây không phải lần đầu tiên Nga phóng thử phiên bản cải tiến của tên lửa Topol trong năm 2017. Tháng 9/2017, Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố cơ quan này đã phóng thử một chiếc ICBM mang theo một tổ hợp đầu đạn tiên tiến chưa được xác định cụ thể.

Cũng trong tháng 9/2017, Nga được cho là đã phóng thử thành công một tên lửa RS-24 với một đầu đạn thiết kế mới, và cũng nhằm mục đích chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Nga phóng thử thành công tên lửa RS-24 Yars ngày 12/9/2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại