Nga tăng cường tên lửa chống hạm Bastion tới quần đảo Kuril tranh chấp với Nhật Bản

Minh Thu |

Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, chính phủ Nga hiện có kế hoạch triển khai thêm hệ thống tên lửa chống hạm tới 2 đảo thuộc phía bắc quần đảo Kuril, khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.

Kyodo News dẫn tài liệu nội bộ từ chính phủ Nga cho hay, hệ thống tên lửa chống hạm mới mang tên Bastion có tầm bắn hơn 300 km, sẽ được triển khai tới hai đảo Paramushir và Matua thuộc quần đảo Kuril, nơi có 4 đảo ở phía nam đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.

Kế hoạch này cho thấy về mặt chiến lược, Nga xem quần đảo Kuril đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ biển Okhotsk và các lực lượng hạt nhân Nga trước mối đe dọa từ Mỹ. Nói cách khác, một tuyến phòng thủ trải dài từ bán đảo Kamchatka đến tỉnh Hokkaido của Nhật Bản nằm trong tầm hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa Bastion, sẽ sớm được hoàn thành.

Thông tin trên có thể làm cản trở tiến trình thảo luận về hiệp ước hòa bình thời hậu chiến giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo Nga – Nhật sẽ gặp gỡ vào ngày 5/9 ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga bên lề một diễn đàn kinh tế.

Văn bản nội bộ Nga được ghi vào tháng 12 cho thấy, các hệ thống phòng thủ tên lửa Bastion sẽ được chuyển từ bán đảo Kamchatka tới đảo Paramushir và Matua trong năm nay theo lệnh của Tổng thống Nga.

Ngoài ra, văn bản cũng hé lộ một trạm radar phát hiện tàu thuyền và một phi đội máy bay cũng sẽ được Nga đặt ở đảo Matua.

Lâu nay, Tokyo lên tiếng phản đối Moscow tăng cường năng lực quân sự quanh 4 đảo tranh chấp phía nam thuộc quần đảo Kuril mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Hồi năm 2016, Nga đã điều các hệ thống tên lửa đến hai đảo là Etorofu và Kunashiri thuộc quần đảo Kuril.

“Dù Nga cực lực phản đối việc Mỹ xây dựng một mạng lưới phòng thủ tên lửa, nhưng chính họ lại đang từng bước đẩy mạnh sự hiện của các hệ thống phòng thủ”, một quan chức chính phủ Nhật Bản chia sẻ.

Hồi tháng 11/2018, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe đã nhất trí đẩy mạnh đàm phán dựa trên thỏa thuận năm 1956 về việc trả lại hai đảo Shikotan và Habomai cho Nhật Bản một khi hai bên ký hiệp ước hòa bình.

Tuy nhiên, gần đây, ông Putin bày tỏ mối quan ngại về khả năng mở rộng quân sự của Mỹ trong khu vực đặc biệt là kế hoạch của Nhật Bản về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ phát triển. Theo ông Putin, Nga - Nhật khó có thể tiến tới một hiệp ước hòa bình nếu Tokyo không giải thích rõ ràng chính sách an ninh tương lai của quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại