Nga-Syria-Iran giằng xé: Cánh cửa sẽ đóng sập với Mỹ-Israel vào cuối tháng 6?

Hoài Giang |

Người Mỹ và Israel liệu có thể dùng "ba tấc lưỡi" để thuyết phục Nga và Syria quay lưng với Iran hay không?

ngày 13/6 tờ Al-Ahram Weekly xuất bản bài viết Quyết định về Iran (Deciding on Iran) của phóng viên Bassel Oudat tại chi nhánh Damascus, Syria.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về các toan tính của các cường quốc đang can thiệp vào chiến tranh tại Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Mỹ - Israel không che giấu việc họp kín với Nga để "hất cẳng" Iran?

Những ngày gần đây, Washington đã tuyên bố rằng một cuộc họp ba bên giữa Mỹ, Nga và Israel sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 để thảo luận về các mối đe dọa từ Iran, tình hình chiến sự ở Syria và rộng hơn là xung đột trong khu vực Trung Đông.

Cuộc họp được người Mỹ kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các thách thức trong khu vực và phối hợp để tránh các cuộc đụng độ có thể xảy ra giữa các lực lượng quân sự của ba nước trên lãnh thổ Syria.

Nga-Syria-Iran giằng xé: Cánh cửa sẽ đóng sập với Mỹ-Israel vào cuối tháng 6? - Ảnh 1.

Dân quân thân Iran tham chiếm tại Syria.

Những người đại diện có thể là Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton, Cố vấn Nga Nikolai Patruchev và Cố vấn Israel Meir Ben-Shabbat.

Do gần đây Hoa Kỳ thường che giấu mục tiêu thật, nhiều nhà phân tích tin rằng cuộc đàm phán có thể tập trung quanh việc loại bỏ ảnh hưởng trong khu vực của Iran, mở đường cho việc đẩy người Nga khỏi Syria ở giai đoạn sau và cuối cùng là củng cố vai trò của Mỹ ở Trung Đông .

Cuộc họp diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran.

Tuy nhiên, việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở Syria sẽ là một thách thức đối với Mỹ, cũng khó khăn như việc loại bỏ ảnh hưởng của người Nga.

Nga-Syria-Iran giằng xé: Cánh cửa sẽ đóng sập với Mỹ-Israel vào cuối tháng 6? - Ảnh 2.

Cho tới ngày 12/6 chiến trường Idlib - Hama vẫn đang ở thế giằng co.

Nga có bị ép vào "thế" phải chấp nhận đề nghị của Mỹ-Israel?

Bản thân Nga cũng muốn hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở Syria. Do vậy họ đã tiến gần hơn đến việc củng cố vị thế của chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhằm duy trì quyền lực thống trị của người Syria.

Hoa Kỳ hiểu rõ điều đó và cố gắng làm suy yếu Nga và các đồng minh bằng cách ngăn chặn các nỗ lực của Nga nhằm thống nhất một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Họ đã bỏ qua Hội nghị Astana và Sochi do Nga tài trợ và giờ không che giấu mục đích cuối cùng là loại bỏ ảnh hưởng của Iran khỏi Syria.

Một số nhà phân tích tin rằng cuộc họp sắp tới sẽ có một số động thái gây áp lực với Nga và buộc họ phải đồng ý đối đầu với Iran. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Iran ở Syria đã rất sâu và Moscow có thể sẽ phải trả giá rất đắt cho sự "phản bội".

Iran phải rút khỏi Syria theo yêu cầu của Mỹ sẽ "cắt đôi cánh" của Nga và có thể mở đường cho việc thực thi giải pháp chính trị có thể dẫn đến thay đổi chính phủ theo các bước nhằm mục đích cuối cùng là loại bỏ người Nga.

Nhưng Nga không thể từ chối mà không phải đối mặt rủi ro kích hoạt các cuộc đối đầu với Mỹ và Israel.

Không kích của Nga nhằm vào vị trí phiến quân đêm ngày 12/6 tại tây bắc Syria.

Iran đã bám rễ sâu thế nào?

Ngay cả trước khi ông Bashar Al-Assad trở thành Tổng thống Syria, Iran đã cố gắng tăng cường ảnh hưởng ở nước này và vẫn tiếp tục làm như vậy trong cuộc nội chiến kéo dài 8 năm qua.

Chính phủ Syria đã được Iran hỗ trợ quân sự và chính trị, vũ khí và hậu cần và quan trọng nhất là các chiến binh Iran, Iraq, Lebanon và Afghanistan.

Đổi lại, Iran đã được phép kiểm soát phần lớn lãnh thổ, chính trị và quân sự ở Syria và nỗ lực thay đổi thành phần dân tộc và tôn giáo của Syria. Trong 8 năm đã qua của cuộc chiến, Iran đã tập trung vào việc mở rộng ảnh hưởng ở Syria.

Tuy nhiên, Moscow muốn giữ quyền kiểm soát đường bờ biển Syria, đặc biệt là nhà máy lọc dầu và cảng của Baniyas, cũng như đã đặt Sân bay Damascus dưới sự kiểm soát của quân đội Nga.

Tehran đã cho Syria vay gần 8 tỷ USD và đầu tư vào khai thác dầu khí, phốt phát và các tài nguyên khác. Iran cũng đã thúc đẩy các phong trào Hồi giáo Shia ở Syria bằng cách nhắm vào các tầng lớp nghèo để kiểm soát xã hội và các vấn đề kinh tế của Syria.

Trong những tháng gần đây, các lực lượng Nga, Iran và Syria đã đụng độ nhiều lần. Đó là lý do chính cho việc Moscow quyết định không có sự tham gia của Iran trong các trận đánh đang diễn ra tại khu vực Hama-Idlib.

Moscow đã theo dõi các nhóm vũ trang thân Iran ở gần biên giới Syria-Iraq và tại các khu vực phía nam gần Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng.

Những động thái này đã cho thấy rõ rằng Iran có ý định sẽ chống lại áp lực để loại bỏ sự hiện diện của họ ở Syria và họ có thể sử dụng lực lượng dân quân của mình để làm như vậy.

Trong khi đó, Nga có thể đang đạt đến "giới hạn can thiệp" vào Syria, đặc biệt vì sẽ không có quốc gia nào hợp tác với họ miễn là Iran là đồng minh của họ.

Một ẩn số quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này vẫn tiếp tục hỗ trợ lực lượng phiến quân ở miền bắc Syria và vẫn chưa đưa ra quyết định có rời khỏi liên minh với Moscow và Tehran để quay sang Washington và Tel Aviv hay không.

Nga và Iran đã tìm cách đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi ảnh hưởng của phương Tây và làm giảm áp lực lên chính phủ Syria và chấp nhận các giải pháp quốc tế và của Liên Hiệp Quốc cho cuộc khủng hoảng.

Nga-Syria-Iran giằng xé: Cánh cửa sẽ đóng sập với Mỹ-Israel vào cuối tháng 6? - Ảnh 5.

Lực lượng cơ giới của quân đội Syria được tăng viện tới mặt trận Hama hôm 12/6.

Thế "kẹt" của người Nga trước miếng pho mát của người Mỹ

Hiện tại Hoa Kỳ không thể phủ nhận sự cần thiết phải phối hợp với Nga và vai trò quan trọng của nước này trong việc đối đầu với Iran và kiềm chế ảnh hưởng của Tehran ở Syria.

Dường như Washington sẽ cam kết với Moscow rằng họ sẽ chấp nhận ông Al-Assad vẫn nắm quyền cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại để đổi lấy việc Iran rút khỏi Syria và đồng ý chuyển đổi chính trị nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống.

Cuối cùng là các biện pháp tái cơ cấu các cơ quan quân sự và an ninh để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc bầu cử tự do với sự giám sát quốc tế.

Phe đối lập Syria thì đang lo ngại rằng khi Iran rút đi, Hoa Kỳ sẽ đồng ý hỗ trợ chính phủ Syria khỏi sự cô lập quốc tế như lời đề nghị của Đại diện đặc biệt Hoa Kỳ tại Syria James Jeffrey.

Hoa Kỳ và châu Âu muốn tuyên bố sự sụp đổ của Hội nghị Astana của Nga và trở lại các cuộc đàm phán Geneva do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ như một cách giải quyết duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria.

Đàm phán giữa Mỹ, Nga và Israel vào cuối tháng 6 có thể được sẽ theo hướng này. Tuy nhiên, nó đang bị cản trở bởi mong muốn của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc tìm kiếm một thỏa thuận chung về vấn đề Syria, Ukraine và các vấn đề khác.

Ngoài ra Nga và Tổng thống Bashar Al-Assad chỉ có thể sẽ hợp tác trong việc đẩy Iran ra khỏi Syria trừ phi Hoa Kỳ tham gia nhằm thống nhất giải pháp chính trị, tái thống nhất Syria theo các điều kiện tiên quyết của Nga.

Cho dù Nga có đồng ý với các yêu cầu của Mỹ-Israel hay không, cuộc họp sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 này có thể không được sự ủng hộ của người dân Nga.

Nga đã đầu tư hàng tỷ USD trong cuộc can thiệp quân sự tại Syria, và dư luận Nga sẽ đặt câu hỏi khi họ đàm phán với Mỹ và Israel.

Phiến quân Syria tổ chức tấn công quân chính phủ hôm 8/6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại