Với Nga, Tuyến Đường Biển Bắc và các nguồn năng lượng ở Bắc Cực đóng vai trò quan trọng chiến lược về cả địa chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, những lợi ích về kinh tế mà chúng mang lại cho quốc gia này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Do ẩn chứa nhiều nguy hiểm và bất ổn, Tuyến đường Biển Bắc chưa thu hút được sự quan tâm các công ty vận chuyển cũng như tàu thuyền qua lại. Giá nguyên nhiên liệu thấp khiến việc tiếp cận và khai thác tại đây trở nên không thực tế.
Bên cạnh đó, lệnh cấm vận từ phương Tây đã kéo lùi sự phát triển của Bắc Cực. Các dự án khai thác năng lượng chủ chốt với các công ty châu Âu và Mỹ bị hoãn lại, 68% thiết bị phục vụ cho các dàn khoan ngoài khơi ở Bắc Cực mà Nga cần lại nằm trong danh sách bị cấm vận.
Đồng thời, đây cũng là nơi chứa nhiều điểm yếu của Moscow, đặc biệt trong bối cảnh Trái Đất nóng lên khiến băng tan, làm lộ nhiều cơ sở năng lượng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến phòng thủ mặt bắc của nước này.
Lúc này, Nga cần Trung Quốc với tư cách là nhà đầu tư, bạn hàng chủ chốt và nhà cung cấp công nghệ, nhằm cứu vãn nền kinh tế vốn phụ thuộc vào năng lượng và đang suy giảm.
Hai học giả Stephanie Pezard và Timothy Smith cho rằng, tiếp theo, rất có thể Nga sẽ dùng Bắc Cực làm quân bài để tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, khi mà khu vực này đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với chiến dịch tái cân bằng, hướng về Trung Quốc mà Nga đang thực hiện.
Bắc Cực chưa phải là ưu tiên của Trung Quốc. Trung Quốc cũng không công khai bất cứ chiến lược nào ở Bắc Cực, song không thể phủ nhận rằng đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này ngày càng tăng và không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ xem xét lại quan điểm đó trong ngắn hạn.
Doanh nghiệp nhà nước PetroChina có cổ phần 20% trong dự án Yamal LNG của Nga và vì thế, dầu khí ở Siberia sẽ được đưa tới thị trường châu Á thông qua Tuyến Đường Biển Bắc.
Năm 2013, Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã ký thỏa thuận cùng thăm dò, sản xuất dầu khí tại Biển Pechora và Barents. Ở phía Nam, hai quốc gia cũng đồng ý xây dựng đường ống dẫn khí dài 4.000 km từ Siberia tới biên giới với Trung Quốc - một dự án ước tính có trị giá lên tới 21 tỉ USD.
Ngoài các nguồn năng lượng, Trung Quốc còn quan tâm tới đường bờ biển của Nga. Năm 2013, lần đầu tiên một tàu thương mại của Trung Quốc sử dụng Tuyến đường Biển Bắc thay vì kênh đào Suez.
Dù thế, hai học giả người Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi về triển vọng của mối quan hệ song phương ở Bắc Cực, đặc biệt là trong trung và dài hạn.
Trung Quốc có thể dãn quan hệ với Nga nếu Moscow trở nên cứng rắn hơn ở Bắc Cực, đe dọa tới các khoản đầu tư và quyền tiếp cận của Bắc Kinh. Hoặc cũng có thể, bản thân Nga sẽ tìm cách "nới lỏng" mối quan hệ hợp tác tại khu vực này nếu thấy Trung Quốc không thể thay thế được phương Tây.