Nga sẽ hồi sinh căn cứ quân sự bí mật tại Crimea?

Bảo Lam |

Căn cứ "Balaklava" từng đóng vai trò chiến lược quan trọng để Liên Xô triển khai các hoạt động quân sự trên Biển Đen.

Sau khi sáp nhập Crimea, Nga không chỉ tiếp quản đất đai, hạ tầng dân sự và các công trình công nghiệp mà còn tiếp nhận trở lại một trong những căn cứ quân sự mang ý nghĩa quan trọng nhất tại khu vực Biển Đen - đó là "Balaklava". Tuy nhiên, số phận của công trình quân sự này vẫn chưa được định đoạt rõ ràng.

Thời Liên Xô, ở vùng vịnh Balaklava, một căn cứ hải quân bí mật dành cho các tàu ngầm của Liên Xô đã được thiết kế xây dựng sâu trong lòng núi.

"Balaklava" luôn đóng vai trò chiến lược quan trọng để triển khai các hoạt động quân sự trên Biển Đen. Hơn nữa, căn cứ này được xây dựng ở một nơi rất đặc biệt - do sự phức tạp của địa hình nên không thể phát hiện được các tàu chiến và tàu ngầm neo đậu ở đâu. Kết cấu núi còn giúp cho công trình có thể chịu được cuộc tấn công hạt nhân với sức công phá tới 100 kiloton.

Bên trong diện tích 15 nghìn km2 của "Balaklava" có thể bố trí doanh trại khổng lồ, tích trữ trang thiết bị, đồ tiếp tế, cho phép căn cứ hoạt động hoàn toàn độc lập trong vòng 1 tháng.

Nga sẽ hồi sinh căn cứ quân sự bí mật tại Crimea? - Ảnh 1.

Mô hình tàu ngầm tại bến cảng dành cho tàu đậu trong căn cứ Balaklava.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã dẫn tới việc chia cắt Hạm đội Biển Đen giữa Ukraine và Nga. Căn cứ này, cũng như 18,3% các tàu chiến đã được bàn giao cho Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Kiev đã không đoái hoài tới việc duy trì các công trình quân sự, và "Balaklava" cũng bị bòn rút. Đến năm 2003, chính quyền Ukraine đã biến căn cứ chiến lược quan trọng thành viện bảo tàng.

Điều đáng nói là vào năm 2010, chính quyền Nga đã dự định khôi phục "Balaklava". Khi đó, đại diện thường trực của Nga tại NATO - ông Dmitri Rogozin từng nêu ra ý định ấy, tuy nhiên Ukraine tuyên bố rằng điều đó đi ngược lại Hiến pháp của nước này và ý tưởng hồi sinh một căn cứ huyền thoại đã không diễn ra.

Giờ đây, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. "Balaklava" không còn là tài sản của Ukraine, mà nó thuộc về Nga. Chính vì thế, việc biến viện bảo tàng quay trở lại thành căn cứ quân sự là điều hoàn toàn hợp lý. Vấn đề là có cần thiết hay không?

Nga sẽ hồi sinh căn cứ quân sự bí mật tại Crimea? - Ảnh 2.

Toàn cảnh căn cứ quân sự thời Chiến tranh Lạnh của Liên Xô. Ngày nay, rất nhiều du khách khi đến Crimea thường ghé tăm bảo tàng quân sự này.

Trả lời phỏng vấn trang tin điện tử "Politexpert" (Nga), Đại tá hải quân về hưu, chuyên gia quân sự Vasily Dandykin đã nêu quan điểm về việc này.

Ông Dandykin cho biết, trong suốt quá trình tồn tại vào thời kỳ Xô Viết, "Balaklava" là nơi đặt sở chỉ huy của Sư đoàn tàu ngầm số 14 Liên Xô, cũng như đội tàu ngầm diezel. Căn cứ này được xây dựng theo quyết định của ông Nikita Khrushchev (cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) để phòng trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, tất cả đã là quá khứ và hiện giờ không có lý do cần thiết nào để Nga hồi sinh căn cứ này.

"Hiện nay hạm đội tàu ngầm của Nga đang đóng tại Novorossiysk. Để bố trí tàu ngầm tại Crimea đã có vịnh Sevastopol. Nếu như trước đây lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen có tới vài chục chiếc thì hiện giờ con số này ít hơn nhiều - khoảng 6 chiếc. Bởi vậy không thể có chuyện khôi phục lại "Balaklava" - đơn giản là không cần thiết" - chuyên gia này chia sẻ.

Kết thúc cuộc nói chuyện với "Politexpert", ông Dandykin nhấn mạnh rằng hiện nay không cần thiết phải khôi phục căn cứ tại Crimea cũng là vì bán đảo này đang tập trung phát triển du lịch.

"Balaklava" là địa danh yêu thích của du khách, hàng nghìn người tới đây để chiêm ngưỡng các hiện vật quý giá trưng bày trong viện bảo tàng và tìm hiểu về lịch sử hạm đội hải quân, cũng như về các pháo đài quân sự kiên cố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại