Pantsir-S1 của Iraq.
Mỹ không ngại phòng không Nga
Theo tờ Reporter, hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga đã tham gia nhiệm vụ bảo vệ căn cứ không quân Et-Tajji của Mỹ ở phía Bắc Baghdad. Các tổ hợp này đang nằm trong biên chế của quân đội Iraq.
Quân đội Mỹ trước đây thường cho rằng hệ thống phòng không của Nga kém hơn về tính năng chiến đấu so với hệ thống phòng không của Mỹ. Nhưng bất chấp những quan điểm như vậy, người Mỹ vẫn quyết định sử dụng thiết bị quân sự của Nga để bảo vệ căn cứ không quân của mình một cách bất ngờ.
Theo các quân nhân Iraq, yếu tố giá trị nhất của Pantsir là tổ hợp điều khiển hỏa lực, bao gồm hệ thống radar phát hiện, cũng như radar theo dõi.
Tổ hợp điều khiển hỏa lực của Pantsir bao gồm một hệ thống quang-điện tử với công cụ điều hướng hồng ngoại, thực hiện xử lý tín hiệu số và tự động gắn kết với mục tiêu. Thời gian phản ứng của hệ thống tên lửa phòng không từ 4 đến 6 giây. Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất.
Tổ hợp có tầm bắn tối đa là 20 km và đạt trần bắn là 15 km ngay cả khi hệ thống đang di chuyển. Theo tuyên bố của nhà sản xuất KBP, tổ hợp này có thể tiêu diệt được cả máy bay tàng hình.
Một hệ thống Pantsir-S1 do lực lượng LNA kiểm soát đã bị thu giữ trên lãnh thổ Libya vào tháng 6 năm ngoái. Vũ khí này đã được người Mỹ giao cho căn cứ NATO Ramstein ở Đức.
Theo các chuyên gia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã mua hệ thống tên lửa phòng không từ người Nga, gửi nó đến Libya để hỗ trợ quân đội LNA của tướng Khalifa Haftar.
Không phải lần đầu
Hình ảnh vệ tinh được cho là S-300 của Mỹ.
Việc Mỹ thu giữ tổ hợp Pantsir-S1 do Nga chế tạo từ chiến trường Libya vào tháng 6 năm ngoái không phải là điều quá bất ngờ.
Theo tờ Times, việc Mỹ thu giữ Pantsir-S1 và chuyển ra khỏi Libya xuất phát từ sự lo ngại tổ hợp tên lửa có thể rơi vào tay dân quân hoặc những kẻ buôn lậu vũ khí ở quốc gia Bắc Phi bị chiến tranh tàn phá. Nhưng nhiều khả năng, Washington cũng quan tâm đến việc có được hệ thống để kiểm tra kỹ lưỡng về đặc tính kỹ thuật.
Mặc dù Pantsir-S1 ở Libya là một biến thể xuất khẩu và do đó bị hạn chế về năng lực hơn so với Pantsir trong quân đội Nga, nhưng sở hữu vũ khí này vẫn có lợi cho Mỹ vì một ngày nào đó nước này có thể phải tiêu diệt các tên lửa tương tự trong chiến đấu.
Theo Forbes, Washington trước đây đã nhiều lần nắm bắt cơ hội sở hữu các hệ thống tiên tiến của Nga để hiểu rõ hơn về khả năng của chúng.
Vào năm 1994, Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Lầu Năm Góc đã mua các thành phần của hệ thống tên lửa phòng không tầm cao S-300 do Nga sản xuất - hệ thống tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Moscow vào thời điểm đó - từ Belarus.
Chiếc S-300 này đã được máy bay vận tải An-124 chuyển đến cho trung tâm Tình báo Tên lửa và Không gian của DIA ở Huntsville, Alabama, sau một chiến dịch bí mật được bắt đầu hai năm trước, khi Lầu Năm Góc muốn tìm cách mua lại một chiếc S-300 để kiểm tra.
Vào tháng 5/2019, một bức ảnh vệ tinh được đăng trên Twitter cho thấy một khẩu đội S-300 ở Mỹ, có thể chính là khẩu đội thu được vào năm 1994.
Đó cũng không phải là lần duy nhất Mỹ mua một hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga từ một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Năm 1997, Washington lo ngại rằng Moldova đang trong tình trạng cạn kiệt tài chính có thể bán phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum đáng gờm cho Iran. Vì vậy, Mỹ đã nhanh chân hơn để mua lại số máy bay này.
Tổng cộng, Mỹ đã mua 21 chiếc MiG-29 từ Moldova, trong đó có 6 chiếc phiên bản A tiêu chuẩn, một phiên bản B và 14 phiên bản C có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Các máy bay này được tháo rời và chuyển từ Moldova trên máy bay vận tải C-17 đến Dayton, Ohio.
Với việc mua lại chiến đấu cơ của Moldova, Washington đã loại bỏ khả năng Iran mở rộng phi đội MiG-29 của mình, cũng như có cơ hội quý giá để kiểm tra kỹ lưỡng ba biến thể của một trong những dòng chiến đấu cơ hàng đầu của Nga.
Những thương vụ trong quá khứ đã chứng minh một cách rõ nét rằng việc thu giữ Pantsir-S1 lần này không phải là điều gì đó quá kỳ lạ. Giới quan sát tin rằng chắc chắn quân đội Mỹ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng đến từng con ốc của hệ thống tên lửa Nga, qua đó thấu hiểu về khả năng của vũ khí và hơn cả là tìm ra những cách thức mới để khai thác điểm yếu của nó.