Một đơn vị pháo binh của Ukraine chuẩn bị khai hỏa về phía Kherson. Ảnh: Getty
Bước đi cần thiết
Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/11 thông báo, quân đội Nga đã hoàn tất việc rút quân ra khỏi hữu ngạn sông Dnieper ở khu vực Kherson . Tất cả lực lượng và thiết bị của Nga đã được chuyển sang tả ngạn con sông. Tướng Sergey Surovikin, chỉ huy lực lượng của Nga tại Ukraine cho biết, việc rút quân sẽ giúp bảo vệ tính mạng của người dân và các binh sỹ, vốn đang phải đối mặt với một cuộc phản công lớn của Ukraine nhằm vào các kho đạn dược, trung tâm chỉ huy của Nga và cản trở tuyến đường tiếp tế của họ.
Một người dân địa phương đi qua khu vực Vysokopillya ở tỉnh Kherson. Ảnh: AP
Ngay sau khi Nga rút quân, Ukraine đã công bố video cho thấy binh sỹ nước này tiến vào thành phố Kherson một cách thận trọng. Phía Ukraine cáo buộc Nga đang cài mìn và để lại các rào chắn trên đường nhằm cản trở quân đội nước này tìm cách tiến lên và tài chiếm khu vực. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, cho biết người Nga muốn “biến Kherson thành một thành phố chết” khi họ rút lui.
Hiện các lực lượng Ukraine đã tràn vào một vùng số kéo dài đến sông Dnieper. Hai bên đang đối mặt nhau chia cắt qua con sông, với khoảng cách hai phía khoảng 250km. Dù Ukraine cho rằng đây có thể là cái bẫy của Nga, một số chuyên gia nhận định quyết định của Moscow dựa trên nhiều tính toán và cân nhắc chiến lược.
Theo CNN, các lực lượng Nga đã rút khỏi 40% lãnh thổ Kherson, tuy nhiên họ vẫn nắm quyền kiểm soát 60% lãnh thổ, ở phía Nam và phía Đông Dnieper, trong đó có cả đường bờ biển dọc theo Biển Azov. Chừng nào quân đội Nga vẫn kiểm soát và phòng thủ tại bờ đông Dnieper thì chừng đó các lực lượng Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cố gắng phá hủy kênh đào cung cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea.
Việc di chuyển sang bờ đông sẽ giúp Moscow dễ dàng bổ sung binh sỹ và củng cố tuyến phòng thủ. Bất cứ nỗ lực nào của quân đội Ukraine nhằm vượt qua con sông Dnieper đều có thể thất bại hoặc phải trả giá đắt do quân đội Nga đã lập phòng tuyến kiên cố dọc theo con sông này, xây dựng rất nhiều boongke và đào các hào sâu trong khi dân thường đã được di dời khỏi những ngôi nhà gần con sông.
Tại Moscow, một số nhân vật cứng rắn đã chỉ trích quyết định của Bộ Quốc phòng Nga, nhưng lại có rất nhiều người lên tiếng ủng hộ. Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, ông Ramzan Kadyrov cho rằng, Tướng Surovikin đã cứu một nghìn binh sỹ bằng cách đưa ra “lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn”. Theo ông, Kherson là một khu vực rất khó chiến đấu, đặc biệt khi các tuyến đường tiếp tế chưa được đảm bảo. Đối với Nga, việc tiếp tế đạn dược và các nguồn cung khác đang trở nên khó khăn sau khi Ukraine đẩy mạnh cuộc phản công và liên tục tấn công các căn cứ hậu cầu của Nga bằng tên lửa tầm xa.
Cuộc chiến giành Kherson chưa kết thúc
Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến giành Kherson và phần còn lại của Ukraine vẫn chưa thể kết thúc nhanh chóng. Một số tổ chức tình báo mở cho biết, ngay cả khi Nga thông báo rút quân, nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy các lực lượng Nga đang đào những chiến hào rộng lớn và xây dựng các công sự ở phía Đông Kherson.
Mệnh lệnh của Điện Kremlin chỉ ra rút quân khỏi hữu ngạn sông Dnieper. Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, Nga đã cố gắng giành quyền kiểm soát khu vực này bằng xe tăng, bộ binh và pháo binh. Ngay cả khi Moscow rút sang bờ đối diện con sông, họ vẫn có thể bắn đạn pháo qua con sông để tấn công các lực lượng đối phương nếu quân đội Ukraine cố gắng thiết lập các cứ điểm bên trong thành phố.
Nhiều nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, Nga dường như đang lo ngại về việc Ukraine sẽ tiến xa hơn về phía Đông Kherson vì khi đó các đường tiếp tế của Nga từ Crimea sẽ dễ bị pháo binh Ukraine tấn công.
Các quan chức Ukraine và phương Tây trong nhiều tuần qua đã suy đoán về việc Nga có thể rút khỏi khu vực Kherson, song vẫn tỏ ra thận trọng.
Một quan chức tình báo phương Tây đánh giá Kherson đóng vai trò quan trọng với cả hai bên. Đối với Nga, vùng Kherson rộng lớn nối liền lục địa Ukraine với bán đảo Crimea sẽ cung cấp cho Moscow một hành lang đất liền hẹp để tiếp tế cho quân đội từ các căn cứ lớn tại Crimea. Đối với Ukraine, Kherson nằm ở vị trí chiến lược để quân đội nước này có thể điều chỉnh cuộc phản công.
Ông Serhiy Kuzan – cố vấn tại Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, một phần tỉnh Kherson nằm ở hữu ngạn sông Dnipro đóng vai trò quan trọng, xét từ góc độ quân sự, vì vị trí này cho phép chúng tôi dội hỏa lực vào tuyến đường tiếp tế của Nga xuất phát từ Crimea”.
Theo một số nhà quan sát, Nga dường như đang hy sinh một số thành quả ban đầu để đạt được mục tiêu lớn hơn là bảo vệ các vị trí mới của nước này nhằm duy trì tuyến đường hậu cần quan trọng.
Michael Horowitz, người đứng đầu bộ phận tình báo của Le Beck, một công ty tư vấn an ninh cho rằng, việc rút quân, trước mắt là điều cần thiết: “Quân đội Nga ngày càng bị cô lập tại hữu ngạn sông Dnieper khiến việc phòng thủ tại các cứ điểm ở đây trở nên khó khăn hơn dù liên tục bổ sung tân binh. Khi chuyển sang tả ngạn con sông, họ sẽ tập hợp được lực lượng lớn hơn. Ngoài ra, sông Dnieper cũng tạo ra một rào cản tự nhiên giúp họ dễ dàng đối phó với các cuộc tấn công của Ukraine. Nga đã thiết lập hệ thống phòng thủ phía bên kia con sông trong vài tuần qua”.
Theo ông Michael Horowitz, Nga có lợi thế về mặt chiến thuật rất rõ ràng, đó là tiến về một tuyến phòng thủ vững chức hơn và tránh được sự tổn thất lớn. Tuy nhiên, Moscow phần nào đang bị mất thế chủ động và đòn bẩy cần thiết.
Cùng chung quan điểm này, ông Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Nếu Nga có thể rút các đơn vị nước này một cách thành công mà không phải chịu tổn thất nặng nề, thì họ có thể sẽ ở một vị trí vững chắc hơn để giữ vững tiền tuyến hiện có. Đây là lý do tại sao việc rút quân an toàn rất cần thiết”.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Nhiều nhà phân tích và nhà ngoại giao suy đoán, cuộc chiến sẽ bước vào giai đoạn đình trệ trong mùa Đông khi quân đội của cả hai bên cần phải khôi phục sức mạnh. Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân lưu ý, việc giao tranh tạm lắng sẽ là thời điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán. Nhưng chính phủ Ukraine khẳng định, điều đó có thể giúp củng cố lợi ích cho Nga, cho thấy ngay cả khi xuất hiện những điều kiện khiến Ukraine phải trì hoãn đà tiến, họ cũng không sẵn sàng dừng cuộc phản công.
Hiện, đang có những dự đoán trái ngược nhau về điều gì có thể xảy ra tiếp theo trong thời gian tới. Các nhà phân tích quân sự cho biết, việc vẽ ra một chiến tuyến mới ở cực nam của sông Dnieper, với việc quân đội 2 nước kiểm soát kiểm về cơ bản sẽ khiến mặt trận Kherson tạm ngừng tiếng súng. Chiều rộng mênh mông của con sông và việc cầu cây cầu Antonivksy bị hư hại khiến cho quân đội hai nước gặp nhiều khó khăn khi truy đuổi đối phương.
Justin Bronk, một nhà nghiên cứu cấp cao về khoa học quân sự tại Viện Royal United Services ở London, cho rằng, các lực lượng đặc nhiệm Ukraine sẽ tiến hành những cuộc tấn công quy mô nhỏ ổn định sau chiến tuyến của Nga. Theo New York Times, đã có những bằng chứng cho thấy Ukraine tiếp tục tấn công vào phía sau phòng tuyến của Nga, đặc biệt là các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào lực lượng Nga đang tập hợp tại một số địa điểm dọc bờ tây con sông và các cuộc tấn công lẻ tẻ vào hai thành phố miền nam Melitopol và Henichesk, gần Biển Đen.
Các nhà phân tích khác thì tỏ ra thận trọng hơn. Ông Justin Bronk, nhà phân tích từ Viện Dịch vụ Hoàng gia London dự đoán cả hai bên có thể phải tạm dừng các hoạt động quân sự vì khó di chuyển do mặt đất trở nên lầy lội, và môi trường ẩm ướt và lạnh giá trong mùa Đông. Sau đó, một cuộc giao tranh lớn sẽ nổ ra vào mùa Xuân. Chuyên gia này cho rằng, các mục tiêu tiếp theo của Ukraine rất có thể là tiến về phía thành phố Melitopol, tiếp tục đẩy các lực lượng Nga ra khỏi khu vực Kharkov, nhằm chiếm lại thị trấn Svatove ở vùng Luhansk./.