70.000 dân đã rời khỏi bờ Tây sông Dnipro, thành phố Kherson
Kherson là thành phố ở phía Nam Ukraine , đã bị quân Nga kiểm soát từ tháng 3/2022. Đây là địa danh có tầm quan trọng đặc biệt với cả hai bên; thành phố này ở bên sông Dnipro, gần cửa Biển Đen và là một trung tâm công nghiệp với giao thông đường thủy huyết mạch.
Từ cuối tháng 8 vừa qua, Ukraine đã giành lại một số thị trấn, làng mạc ở Kherson. Chính quyền thân Nga đã sơ tán 70.000 dân sang bờ Đông sông Dnipro. Thời điểm đó, giới quan sát nhận định sẽ có cuộc chiến nảy lửa, quyết định cục diện xảy ra tại thành phố này.
Ngày 3/11 vừa qua, ông Kirill Stremousov, quan chức được Nga ủng hộ, tiết lộ trên truyền hình rằng, lực lượng Nga có kế hoạch rút khỏi bờ Tây sông Dnipro, bao hàm cả thành phố Kherson.
Cùng ngày, hình ảnh tòa nhà chính quyền thành phố hạ quốc kỳ Nga và dân thường đi trên tuyến đường nội thành mà không thấy chốt kiểm soát quân sự nào, bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội.
Cần nhớ rằng, Kherson là địa danh đầu tiên quân Nga chiếm được tại Ukraine. Nơi đây được ưu tiên biên chế lực lượng tinh nhuệ nhất. Phần lớn trong số họ là thành viên lực lượng nhảy dù, đặc nhiệm và bộ binh hải quân. Các đơn vị này là xương sống của lực lượng Nga.
Hơn nữa, một cuộc rút quân có nhất thiết công khai lên truyền hình? Trong mọi cuộc chiến tranh luôn diễn ra hai trạng thái đối ngược nhau: giữ bí mật thông tin và đánh cắp thông tin. Đặc biệt, việc bố trí lực lượng được ví như “thiên cơ bất khả lộ”.
Cục diện chiến sự Kherson
Natalia Humeniuk, người phát ngôn Bộ chỉ huy Quân sự phía Nam Ukraine nhận xét: “Họ đang cố tình khiêu khích, tạo ra ấn tượng rằng thành phố đã bị quân Nga bỏ lại và đủ an toàn để đưa quân vào, nhưng thực chất họ đang chuẩn bị cho giao tranh trên từng tuyến đường”.
Đây là có thể là cái bẫy dẫn dụ quân Ukraine tập trung vào thành phố và Nga sẽ tập kích từ xa bằng tên lửa hành trình. Đây là kịch bản mà các nhà quân sự Ukraine vẽ ra. Tuy nhiên, vấn đề của Nga lúc này là kiểm soát chặt lãnh thổ giành được, chứ không phải đặt mục tiêu giết hại binh sĩ đối phương.
Trên thực tế, lực lượng Nga ở Kherson gặp khó khăn thực sự, nếu cố thủ quá lâu càng tăng mức độ rủi ro do hệ thống đường bộ bắc qua sông Dnipro bị phá hỏng, tiếp tế hậu cần rất khó khăn. Bài học ở Kharkov diễn ra tương tự do quân Nga không kịp rút lui.
Tuy nhiên, nhiều người lại đặt nghi vấn rằng, di dời dân ra khỏi Kherson và bây giờ rút lực lượng vũ trang cũng tiềm tàng khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược, có thể là “bom bẩn” như hai bên đã tố cáo nhau hồi tuần trước.