Thiếu tướng Igor Konashenkov - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Một số biện pháp sẽ được tiến hành trong thời gian tới để tăng cường và nâng cao hiệu quả các hệ thống phòng không của Syria".
Ông Konashenkov lưu ý thêm rằng, chỉ 23/59 tên lửa hành trình phóng từ 2 tàu khu trục của Hải quân Mỹ đánh trúng các mục tiêu ở căn cứ Al-Shayrat. Vị trí rơi của 36 quả tên lửa còn lại vẫn chưa được xác định.
Trên thực tế, một bầu không khí bí ẩn đang bao quanh 36 tên lửa hành trình này. Giới chuyên gia Nga nghi ngờ phải chăng chúng chỉ đơn giản là bị bắn xịt, quá đát, hay cũng có thể là bị các hệ thống phòng không của Syria bắn hạ.
Giới chuyên gia Nga cũng đồng thời lên tiếng giải thích rằng, các hệ thống phòng không Nga triển khai tại Syria chỉ được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ sở quân sự và khí tài của Nga tại đây.
Ngoài ra, cho tới tận khi xảy ra vụ tấn công tối thứ Năm (theo giờ Mỹ), các hệ thống của Nga vẫn hoạt động tuân thủ theo bản ghi nhớ về ngăn chặn đụng độ với Washington trên bầu trời Syria. Điều này có nghĩa hệ thống phòng không Nga sẽ không tấn công các mục tiêu "được cho là thân thiện" của Mỹ. Hiện nay, Moscow đã đình chỉ thỏa thuận này.
Song dù lý do là gì thì 23 quả tên lửa đã đủ để làm hư hại nặng nền căn cứ không quân Al-Shayrat, phá hủy 6 tiêm kích MiG-23, 1 kho dự trữ, cơ sở huấn luyện, 1 nhà ăn và trạm radar. 6 binh sĩ, cùng 9 dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tấn công.
Hình ảnh tại căn cứ Al-Shayrat do máy bay không người lái ghi lại sau vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ.
Ông Vladimir Karjakin, Đại tá không quân về hưu, đồng thời là giáo sư tại Đại học Quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga tại Moscow cho rằng, quyết định của Moscow nhằm tăng cường các hệ thống phòng không của Syria là quá chậm trễ.
"Để thiết lập được một hệ thống có thể phòng ngự trước bất cứ cuộc tấn công đường không nào thì S-300 và S-400 là không đủ", ông Karjakin nói, "cần lưu ý rằng, việc cung cấp các hệ thống này cho Syria trước hết là một động thái quân sự-ngoại giao.
Bằng cách này, chúng ta cho Thổ Nhĩ Kỳ thấy rằng Nga có khả năng thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria, buộc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ phải hành động một cách thận trọng".
Theo ông Karjakin, để bảo vệ cơ sở quân sự và dân sự trước các cuộc tấn công đường không, cần có thêm các hệ thống phòng thủ khác, chẳng hạn như hệ thống phòng không tầm trung Buk, hệ thống phòng không tầm ngắn Tor, Kub và thậm chí các hệ thống phòng không vác vai như Verba và Igla.
Hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S
"Bên cạnh đó, tôi cho rằng các căn cứ không quân và doanh trại của Syria cần được ưu tiên trang bị các hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S.
Hệ thống này có thể phát hiện và tiêu diệt các loại máy bay, trực thăng, bom hàng không dẫn đường hoặc tên lửa đạn đạo của đối phương chỉ trong vài giây. Pantsir-S là hệ thống kết hợp pháo và tên lửa phòng không, không có hệ thống nào tương tự trên thế giới hiện nay" - ông Karjakin nói, đồng thời nhấn mạnh rằng:
"Nếu người Syria có hệ thống phòng không Pantsir-S trước đó thì cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Mỹ vào căn cứ Al-Shayrat sẽ không khốc liệt đến vậy".
"Một bài học khác được rút ra từ cuộc tần công lần này là cần phải bố trí nhiều hệ thống phòng không tại các cơ sở quân sự của Syria. Nếu không, trong trường hợp tấn công dồn dập thì tính năng kỹ thuật của hệ thống phòng không Syria hiện nay sẽ không cho phép đánh chặn được tất cả các mục tiêu" - ông Karjakin kết luận.
Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý rằng, có vẻ cuộc tấn công bằng tên lửa như vừa qua sẽ không diễn ra thường xuyên. Đây chỉ là cách để ông Trump nâng cao hình ảnh của mình trong giới chính trị Mỹ:
"Trong trường hợp đó, việc tăng cường khả năng phòng không cho Syria có thể không cần thiết. Tuy nhiên, như người ta thường nói, 'cẩn tắc vô áy náy'. Các hệ thống phòng không được bố trí dày đặc xung quanh những cơ sở quan trọng nhất sẽ giúp tránh được tổn hại".