Theo hãng tin RIA Novosti, để tăng khả năng chiến đấu cho máy bay Su-57, các chuyên gia Nga đang phát triển một loại tên lửa không đối không tầm xa mới được định danh là KRBB. Loại tên lửa mới được cho là có kích thước nhỏ hơn so với các loại tên lửa không đối không đang được trang bị trên các máy bay ném bom chiến lược như Tu-95MS và Tu-160, nhưng nó vẫn có tầm bắn tương đương hoặc xa hơn.
Tên lửa mới cho Su-57
Tên lửa mới có kích thước nhỏ hơn là nhờ thiết kế cánh gấp và cấu hình bên trong được chế tạo tỉ mỉ, đồng thời sử dụng động cơ phản lực kép cỡ lớn. Báo cáo cũng lưu ý rằng, tên lửa hành trình mới khi được phóng từ trên không có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 600km.
Thông tin này được đưa ra sau khi Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga triển khai tên lửa hành trình tầm xa (LRCM) trên những chiếc Su-34M. Các tên lửa hành trình tầm xa được trang bị trên Su-34M đã được sử dụng để tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine.
Chiến đấu cơ Su-57.
Chính quyền Nga không tiết lộ danh tính của tên lửa mới, truyền thông nhà nước cũng như Bộ Quốc phòng Nga đều giữ bí mật và không đề cập cụ thể đến tên lửa này.
Theo các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Nga, vào đầu năm 2023, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 cũng đã được trang bị một loại tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly 300 km.
Hãng thông tấn TASS trích dẫn một nguồn tin giấu tên trong quân đội Nga nói rằng, “máy bay chiến đấu Su-57 có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 120 km. Nhưng với tên lửa mới được tích hợp, Su-57 có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km” .
Theo các chuyên gia quân sự, loại vũ khí chưa được xác định có thể là tên lửa không đối không R-37M được giới thiệu vào năm 1989, một phiên bản nâng cấp của R-37. Su-57 và Su-35S có khả năng tích hợp được loại tên lửa này, cho phép máy bay có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi 300 km. Tuy nhiên, loại tên lửa được sản xuất riêng cho Su-57 vẫn chưa được tiết lộ.
Su-57 được trang bị đầy đủ vũ khí phòng thủ và tấn công hiện đại, trong đó hai khoang nằm giữa thân dành cho tên lửa không đối không tầm ngắn. Gồm 10 giá treo bên trong và 6 giá treo bên ngoài có thể mang tên lửa không đối không R-74M Archer và R-77M Adder; tên lửa không đối đất Kh-38M; tên lửa chống hạm Kh-31AD và Kh-35U; tên lửa chống bức xạ Kh-31PD và Kh-58UShK.
Việc tích hợp tên lửa hành trình tầm xa mới trên máy bay phản lực là rất quan trọng. Các chuyên gia dự đoán, Nga có thể sử dụng Su-57 cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất từ xa, hạn chế phải xâm nhập vào lãnh thổ đối phương để tránh bị máy bay cảnh báo sớm trên không E-3 Sentry của Mỹ/NATO phát hiện.
Tên lửa R-37M.
Nga liên tục thích nghi và đổi mới
Su-57 là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm của Nga. Máy bay được thiết kế với hai vai trò chính là tấn công các mục tiêu mặt đất và chiếm ưu thế trên không. Máy bay được thiết kế với công nghệ mới nhất như lớp phủ hấp thụ radar, khoang vũ khí bí mật bên trong và khả năng đạt được tốc độ bay siêu âm.
Nổi bật trong số các tính năng tiên tiến của Su-57 là hệ thống liên lạc, giao diện phi công và buồng lái sử dụng công nghệ tiên tiến. Theo truyền thông chính thức của Nga, đây có thể là những công nghệ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Vladimir Artykov, Phó Tổng Giám đốc của Rostec cho biết, nền tảng Su-57 đang trong giai đoạn phát triển “Khả năng chiến đấu của nó ngày càng được nâng cao, những công nghệ hiện đại nhất đang được tích hợp vào phương tiện này, hiệu quả của nó tiếp tục được tăng lên” .
Hợp đồng hiện tại với Bộ Quốc phòng Nga là cung cấp máy bay Su-57 được trang bị động cơ giai đoạn hai “Các máy bay sử dụng động cơ giai đoạn hai hiện đang được thử nghiệm bay. Theo hợp đồng, Rostec có kế hoạch nâng cấp cho Su-57 một động cơ mới ”, Artykov nói.
Ông nói thêm rằng Su-57 được điều chỉnh để sử dụng động cơ ở cả giai đoạn một và giai đoạn hai “Ngay cả với động cơ giai đoạn đầu, máy bay chiến đấu vẫn đáp ứng các yêu cầu cơ bản của máy bay thế hệ thứ năm”.
Su-57 được triển khai ở Ukraine với vai trò thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không. Hoạt động đáng chú ý nhất của chiếc máy bay này được ghi nhận là vào tháng 6/2022, Su-57 đã sử dụng tên lửa tầm xa phóng từ bên trong lãnh thổ Nga và thành công phá hủy một hệ thống phòng không của Ukraine.
Hiện tại Su-57 đang được sản xuất với số lượng hạn chế, dự kiến năng lực sản xuất sẽ được tăng dần. Trên thực tế, mặc dù phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga vẫn bàn giao đầy đủ lô máy bay chiến đấu Su-57 và Su-35S cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.