“Sao chép trái phép khí tài Nga ở nước ngoài là một vấn đề nghiêm trọng. Nga ghi nhận 500 trường hợp như vậy trong 17 năm qua. Riêng Trung Quốc sao chép động cơ máy bay, máy bay Sukhoi, các hệ thống phòng thủ, hệ thống phòng không, tên lửa vác vai, hệ thống analogue của tổ hợp tên lửa phòng không tầm tầm trung Pantsir”, Yevgeny Livadny, trưởng bộ phận phụ trách sở hữu trí tuệ của Tập đoàn quốc phòng Rostech của Nga nói trong cuộc phỏng vấn với Tass.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc có nhiều tương đồng với hệ thống S-300 của Nga (trái).
Ông này cho biết các nhóm chuyên gia Nga làm việc ở nước ngoài thường xuyên phát hiện ra các vụ sao chép bất hợp pháp như vậy nhưng không thể đưa vụ việc ra trước tòa vì nhiều khí tài của Nga không đăng kí bằng sáng chế ở nước ngoài.
“Các công ty nước ngoài như Raytheon hay BAE Systems có 5.000 bằng sáng chế ở nước ngoài. Họ đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ, do đó sẽ ít có rủi ro. Trong khi đó, cả Bộ Quốc phòng hay các công ty doanh nghiệp quốc phòng Nga đều không đăng ký bằng sáng chế ở nước ngoài”, ông Livadny cho biết.
Hồi tháng 10, công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga tuyên bố thành lập một nhóm tư vấn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước khác. Nhóm này bao gồm các quan chức của Bộ Quốc phòng Nga và các tập đoàn vụ khí hàng đầu của Nga như Rostech và Rosatom.