Phát biểu tại hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại St.Peterburg (Nga) hôm 17.6, Tổng thống Putin tuyên bố, ông đồng ý với đề xuất của phía Mỹ rằng đại diện của một số lực lượng đối lập Syria được có "chân" trong chính quyền trung ương ở Damascus.
Tổng thống Nga cũng cho biết thêm, Assad đã chấp thuận rằng, tiến trình chính trị là điều cần thiết.
"Đề xuất của Mỹ hoàn toàn chấp nhận được. Chúng ta phải nghĩ về các khả năng cho các đại diện của phe đối lập vị trí trong cấu trúc cầm quyền tích cực".
Tuy nhiên, theo Reuters, khi được hỏi liệu Washington có bao giờ đưa ra một đề xuất như vậy không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thẳng thừng trả lời "Không".
Tiếp tục trả lời câu hỏi về việc, liệu trong các cuộc nói chuyện thường xuyên với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có đề cập tới ý tưởng để cho các nhân vật đối lập tham gia chính phủ cầm quyền hay không, ông Kirby nhấn mạnh: "Không là không".
"Chẳng có đề xuất nào như vậy cả", một quan chức Mỹ giấu tên khác xác nhận, đồng thời khẳng định, chính sách của Mỹ không thay đổi - đó là Assad phải ra đi.
Mỹ và Nga vốn đứng về 2 phe đối lập nhau trong cuộc nội chiến Syria - Washington ủng họ các lực lượng đối lập muốn lật đổ Assad, còn Moscow ủng hộ Tổng thống Syria.
Reuters cho hay, Thông cáo Geneva năm 2012, do Moscow và Washington làm trung gian, kêu gọi thành lập một "chính phủ chuyển tiếp", được "các bên đồng thuận" và có đầy đủ quyền hành pháp ở Syria.
Tài liệu này cho hay, một cơ chế như vậy "có thể bao gồm các thành viên của chính phủ hiện tại và phe đối lập", song Washington lâu nay vẫn cho rằng, "các bên đồng thuận" ở đây nghĩa là Assad phải ra đi, bởi phe đối lập không bao giờ chấp nhận Assad.
Hiện chưa có bất cứ giải pháp nào cho sự bất đồng cơ bản giữa Nga và Mỹ về số phận của Tổng thống đương nhiệm Syria.