Ngày 8.11, tướng Bulgakov nói với báo quân đội Krasnaya Zvezda: Trong 5 năm từ năm 2012 đến 2017, quân đội Nga đã nhận hơn 25.000 xe tăng, xe bọc thép mới, 4.000 đơn vị vũ khí pháo và rocket.
Trong khi đó, theo trang tin phân tích quân sự Global Firepower, hiện Nga có 20.216 xe tăng, xếp trên cả Trung Quốc (6.457 chiếc), còn Mỹ xếp hạng 3 với 5.884 chiếc.
Từ hạng 4 đến hạng 10 là CHDCND Triều Tiên (5.025 chiếc); Syria (4.640); Ấn Độ (4.426); Ai Cập (4.110); Pakistan (2.924); Hàn Quốc (2.654) và Israel (2.620).
Những bình luận của tướng Bulgakov được công bố vào lúc bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO họp ở Bỉ, bàn luận việc xe tăng và quân đội NATO phải đối mặt với những thách thức nào, nếu như họ cần nhanh chóng triển khai lực lượng tăng ở châu Âu.
Cuộc họp này chú trọng về cơ sở hạ tầng hơn là triển khai quân sự lớn. Từ sau Thế chiến 2, nhiều nước châu Âu không bị xảy ra chiến tranh, và các nhà ngoại giao NATO nhấn mạnh phải tính đến chuyện tạo sự dễ dàng cho khâu chuyển quân.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với báo Stars and Stripes: NATO có các yêu cầu quân sự đối với cơ sở hạ tầng dân sự. Chúng tôi cũng cần bảo đảm cầu-đường đủ mạnh để các phương tiện lớn nhất của chúng tôi di chuyển”.
Nga đầu tư quá nhiều vào xe tăng?
Nhà phân tích quân sự Pavel Felgenhauer nhắc lại, hôm 7.9, tướng Alexander Shevchenko tuyên bố một thay đổi lớn trong kế hoạch rã sắt 10.000 xe tăng cũ (sản xuất thời Liên Xô) hiện trong kho của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo đó, đến năm 2020 chỉ rã sắt 4.000 chiếc xe tăng cũ, số còn lại sẽ được hiện đại hóa và giao cho các đơn vị hoặc xuất khẩu. Tướng Shevchenko giải thích: “Vì tình hình quốc tế đang thay đổi, công dân Nga nâng cao tinh thần yêu nước, cùng việc có những công nghệ hiện đại mới đã dẫn đến sự thay đổi kế hoạch”.
Dự kiến khoảng 1.000 xe tăng “mới và hiện đại hóa” sẽ được giao hằng năm cho các đơn vị bộ binh Nga. Quân đội Nga khẳng định chiếc T-72B3 được hiện đại hóa (thép dày hơn, tháp pháo tốt hơn, phương tiện nhìn ban đêm do Pháp thiết kế và hệ thống kiểm soát-chỉ huy điện toán hóa) tốt không kém chiếc T-90A mới nhưng giá thành lại thấp hơn nhiều.
Năm 2017, những chiếc T-72B3 đã được giao cho các đơn vị tăng chiến tuyến thuộc Crimea hoặc vùng Rostov giáp Ukraine, cũng như cho các đơn vị thuộc Quân đoàn tăng cận vệ số 1 ở Moscow và ở vùng Nizhny Novgorod để sẵn sàng đối đầu với phương Tây.
Theo tiến sĩ Felgenhauer, công trình hiện đại hóa số xe tăng Liên Xô cũ khiến Nga có thể tốn 1.000 tỉ USD vào năm 2020, trong khi hiện Pháp và Đức chỉ có 250 xe tăng/nước, Anh có một vài tiểu đoàn tăng hạng nhẹ nhưng đã hoàn toàn ngưng sản xuất xe tăng.
Trong khi đó, các sư đoàn tăng hạng nặng và cơ giới của Mỹ (từng đặt ở miền Trung nước Đức, để sẵn sàng đối đầu với Liên Xô thời Chiến tranh lạnh) đã được chuyển đến Iraq cuối năm 1990 để tấn công quân Tổng thống Saddam Hussein và bỏ luôn ở đó, khiến số xe bọc thép Mỹ ở châu Âu chỉ còn một lữ đoàn tăng hạng nặng.
Theo Newsweek, từ khi ông Vladimir Putin lại làm Tổng thống Nga từ năm 2012, Moscow đã nỗ lực phát triển sức mạnh quân sự. Và như trong những năm 1990, quan tâm chiến lược của quân đội Nga luôn là đề phòng phương Tây xâm lược Nga.
Điện Kremlin chú trọng bảo vệ sự tối thượng ở lĩnh vực xe tăng, phát triển kiểu tăng mới T-14 mà nhà sản xuất tuyên bố vũ khí chống tăng không thể bắn cháy chiếc T-14 này. Nhưng không đơn vị tăng nào ở Nga có trang bị chiếc T-14. Họ sử dụng chủ yếu loại T-90A hoặc T-72B3.
Nhà phân tích quốc phòng Igor Sutyagin (người Nga) hồi năm 2016 viết trên Newsweek: Hai loại tăng trên không phải loại được ưa thích trong chiến lược phòng thủ, nhưng đó là hai loại tăng tấn công.