Quyết định trên đã được thông báo cho các nhà báo vào ngày 7/11, trong chuyến thăm Trung tâm sửa chữa Đông Bắc (NRC, Vilyuchinsk) của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, ông Alexei Krivoruchko.
Năm 2019, tổ hợp SECC đã bàn giao tàu Nanuchka nâng cấp đầu tiên mang tên Smerch trước thời hạn. Thứ trưởng Krivoruchko cho rằng quá trình hiện đại hóa 3 tàu tiến theo sẽ mất khoảng 5 năm.
Cấu hình hiện đại hóa chủ chốt của tàu tên lửa Dự án 1234.1 chính là việc thay thế các tên lửa Malakhit bằng loại Kh-35 Uran hiện đại, số lượng bệ phóng cũng tăng từ 6 lên 16 quả.
Để dẫn bắn tên lửa Kh-35 Uran từ ngoài đường chân trời, radar điều khiển hỏa lực Mineral-M sẽ được cài đặt. Ngoài ra một khẩu pháo AK-176MA thế hệ mới sẽ được tích hợp trên tàu.
Kết quả của những biến đổi này là tiềm năng chiến đấu và phạm vi phát hiện mục tiêu của tàu tăng hơn 3 lần, Cục Thông tin và Truyền thông đại chúng trích dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.
Trước đó vào cuối tháng 9/2019, tàu tên lửa Nanuchka hiện đại hóa mang tên Smerch - số hiệu 423 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã phóng thử thành công tên lửa chống hạm Kh-35 Uran tại vùng biển Nhật Bản.
Tên lửa hành trình Kh-35 Uran tại một thời điểm định sẵn đã bắn trúng mục tiêu mặt nước bố trí ở khoảng cách hơn 50 km so với tàu chiến, chứng minh cấu hình hiện đại hóa đã thành công.
Trước đó chiếc Smerch đã bắn thử nghiệm pháo hạm AK-176MA cũng như pháo phòng không cao tốc AK-630M và thu về kết quả khả quan, cho thấy sự tương thích của những vũ khí này trên nền tảng mới.
Ngoài việc mang được cơ số đạn lớn và tầm bắn xa hơn, tên lửa chống hạm tiên tiến Kh-35 Uran còn khắc phục gần như triệt để mọi nhược điểm của P-120 Malakhit.
Cụ thể, Kh-35 Uran có độ cao bay rất thấp giai đoạn tiếp cận mục tiêu, thao tác vận động cực kỳ linh hoạt và khó bị gây nhiễu, nó chỉ có nhược điểm duy nhất là uy lực của đầu đạn không bằng Malakhit mà thôi.
Trước đó hải quân Nga đã dự định tích hợp tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-55 Oniks với cơ số đạn 12 quả cho các tàu tên lửa Nanuchka, tuy nhiên phương án này tỏ ra không hợp lý nên cuối cùng loại Kh-35 Uran đã được lựa chọn.
Hải quân Nga chưa giải thích nguyên nhân vì sao nhưng rất có thể do phương án này tỏ ra quá cồng kềnh và phức tạp, hơn nữa còn không thể tận dụng hết tầm bắn tối đa gần 600 km của tên lửa Oniks bản nội địa.
Mặc dù tuổi đời đều đã trên 30 năm do được chế tạo từ thời Liên Xô nhưng hải quân Nga vẫn tỏ ra đặc biệt tín nhiệm lớp tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Nanuchka này.
Dự báo các phiên bản nâng cấp của tàu tên lửa Nanuchka sẽ tiếp tục phối hợp cùng lớp Molniya để bảo đảm sức chiến đấu cho lực lượng tác chiến ven bờ.
Phương án nâng cấp các tàu Nanuchka sẽ giúp hải quân Nga tiết kiệm một số tiền lớn so với việc chế tạo phiên bản đời sau của nó là chiếc Karakurt - Dự án 22800.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-nang-cap-hang-loat-tau-ten-lua-nanuchka-cho-ham-doi-thai-binh-duong/831898.antd