"Ngả mũ" trước cách giao hàng đỉnh cao của Trung Quốc: Bảo sao chuyển về Việt Nam đã nhanh còn miễn phí

Mạnh Kiên |

Chuyển đồ ra nước ngoài chỉ mất vài ngày, nhưng giao hàng trong nước Trung Quốc cam kết gửi đến người nhận chỉ trong vòng 24h.

Chúng ta vẫn thường kinh ngạc về tốc độ giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, khi quãng đường xa xôi như vậy mà thời gian giao một món đồ chỉ mất vài ngày, thậm chí nhanh hơn cả chuyển hàng nội địa.

Nhưng chúng ta sẽ phải trầm trồ thêm lần nữa nếu biết về tốc độ giao hàng ở bên trong Trung Quốc, nơi quốc gia này có một tiêu chuẩn có lẽ là không có ở đâu trên thế giới: Giao hàng cho người mua chỉ trong 24 giờ và miễn phí.

Điều gì đã tạo nên phép lạ vận chuyển này?

Ngả mũ trước cách giao hàng đỉnh cao của Trung Quốc: Bảo sao chuyển về Việt Nam đã nhanh còn miễn phí - Ảnh 1.

Logistics mang đặc sắc Trung Quốc

Theo TechNode, câu trả lời khá dễ đoán. Chỉ cần nhìn vào thị trường thương mại điện tử Trung Quốc: sự cạnh tranh khốc liệt, số lượng gói hàng lớn và sự cần thiết phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng sành sỏi tại quốc gia tỷ dân.

Netsunion Clearing Corporation đã ghi nhận 26,18 tỷ giao dịch trị giá khoảng 2,38 nghìn tỷ USD đã diễn ra trong lễ hội mua sắm trực tuyến từ ngày 1/6 đến 18/6 năm 2020.

Để phục vụ hơn 1,4 tỷ công dân và gần 900 triệu người dùng internet di động, các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử phải đổi mới. Họ áp dụng các công nghệ mới như AI, Internet of Things và tự động hóa.

Người tiêu dùng ở Trung Quốc đòi hỏi các dịch vụ hậu cần miễn phí, điều trái ngược với thị trường Châu Âu và Châu Mỹ, nơi người tiêu dùng trả phí cao cho các dịch vụ chuyển phát cấp tốc như Instacart và Amazon Prime Now.

Năm 2018, Trung Quốc đã vận chuyển hơn 50 tỷ gói hàng, chiếm hơn một nửa tổng số trên thế giới, nhiều hơn cả các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu cộng lại. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi người Trung Quốc có 36 gói hàng được giao.

Dây chuyền phân loại, phương tiện vận chuyển tự động và chi phí lao động thấp thúc đẩy ngành chuyển phát nhanh của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng.

Hiện tại, công suất xử lý các gói chuyển phát nhanh hàng ngày của Trung Quốc là 140 triệu. Kỷ lục là 420 triệu mỗi ngày.

Ngả mũ trước cách giao hàng đỉnh cao của Trung Quốc: Bảo sao chuyển về Việt Nam đã nhanh còn miễn phí - Ảnh 2.

Trong lĩnh vực hậu cần, Cainiao Network và JD Logistics của Alibaba là những cái tên nổi bật khi loại bỏ các mô hình hậu cần thương mại điện tử truyền thống và tạo ra các giải pháp dành riêng cho thị trường.

Mạng lưới Cainiao của Alibaba cung cấp nền tảng sáng tạo, dựa trên dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả và trải nghiệm khách hàng cho tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Đây là nền tảng hậu cần tập trung vào vận chuyển hàng hóa giữa các kho, sau đó sử dụng các đối tác bên thứ ba để hoàn thành việc giao hàng chặng cuối.

Về tự động hóa, các nhà kho thông minh của Cainiao Network có tới 700 robot vận chuyển hàng tự động, trong đó con người sẽ không cần phải ra lệnh mà hệ thống mạng lưới Internet of Things trong kho chỉ đạo robot tự di chuyển, chất và dỡ hàng.

Ngoài ra, công ty còn mở hàng loạt các trạm nhận hàng ở khắp nơi trên đường phố, thậm chí là cả trong khuôn viên trường đại học, được gọi là Cainiao Post. Cainiao gần đây đã thông báo họ sẽ bổ sung 30.000 trạm công cộng mới tại 100 thành phố ở Trung Quốc.

JD Logistics, cũng giống như Cainiao Network, đang tận dụng tự động hóa và công nghệ 5G để hỗ trợ hoạt động hậu cần một cách nhanh chóng.

Cơ sở hạ tầng hậu cần thông minh của JD đã mở rộng mạng lưới lên 28 khu vào năm 2020 nhằm tăng phạm vi bao phủ dịch vụ giao hàng trong ngày hoặc ngày hôm sau.

Ngả mũ trước cách giao hàng đỉnh cao của Trung Quốc: Bảo sao chuyển về Việt Nam đã nhanh còn miễn phí - Ảnh 4.

Một trong những kho xử lý lớn nhất của công ty rộng 500.000 mét vuông, tương đương với diện tích của 70 sân bóng đá và có thể đáp ứng khoảng 1,6 triệu đơn hàng mỗi ngày.

JD Logistics cũng đã ra mắt khu hậu cần thông minh hỗ trợ 5G đầu tiên tại Bắc Kinh vào tháng 10/2019.

Cơ sở này triển khai các hệ thống giám sát thời gian thực nhằm xác định và phân tích đơn hàng, theo dõi vị trí và lộ trình của xe nâng theo thời gian thực. Công nghệ cung cấp các cảnh báo ưu tiên cho người vận hành nếu có điều gì đó bất thường phát sinh.

Dây chuyền phân loại hoàn toàn tự động có thể tiết kiệm nhân lực tới 40% và nâng cao hiệu quả hoạt động lên 50%. Robot tiên tiến được sử dụng để sắp xếp các gói hàng bằng các thuật toán nhất định. Chúng có thể giảm nhân lực từ 50 đến 70%.

Vì sao phí giao hàng rẻ?

Mua hàng giao từ Trung Quốc thông qua các nền tảng thương mại điện tử, người mua không chỉ được nhận hàng rất nhanh mà còn gần như được miễn phí vận chuyển. Phí giao hàng nếu có chỉ tính vào khoảng 10.000-15.000 nghìn đồng.

Để so sánh, phí giao hàng trung bình ở Trung Quốc rẻ gấp khoảng năm lần so với Mỹ. Lý do đến từ chi phí lao động thấp.

Những người giao hàng Trung Quốc kiếm được trung bình 880 USD/tháng, chưa bằng 1/3 mức lương ở Mỹ. Trung Quốc có khoảng 3 triệu người chuyển phát nhanh và tuyển dụng 200.000 người mỗi năm.

Mặc dù chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao nhưng so với các nước đang phát triển khác, chất lượng nguồn nhân lực của Trung Quốc vẫn cao hơn nhờ trình độ vượt trội.

Các công ty chuyển phát nhanh của Trung Quốc đã xây dựng kho hàng tại hơn 50 quốc gia và khu vực, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới trị giá khoảng 50 tỷ USD/mỗi năm.

Nhờ điều này, các công ty chuyển phát nhanh của Trung Quốc sẽ giao ngày càng nhiều gói hàng không chỉ cho người dân trong nước mà còn cho cả thế giới.

Có thể nói, bí quyết thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực giao hàng đến từ 3 yếu tố: Áp dụng công nghệ tự động hóa, mạng lưới kho bãi rộng lớn và chi phí nhân lực rẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại