Nga biệt đãi và phô trương sức mạnh quân sự
Vào ngày 24/10, Hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi diễn ra trong thời gian hai ngày (24-25/10) đã khai mạc tại Sochi (Nga). Như vậy, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Nga lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia châu Phi. Đây là sự kiện chính thức đánh dấu sự trở lại của Moscow ở Lục địa đen.
Tại hội nghị thượng đỉnh Sochi, điện Kremlin đã biệt đãi trọng thể các đại biểu châu Phi với món trứng cá đen nổi tiếng và các món ăn địa phương khác, đồng thời trưng bày các loại máy bay dân dụng, máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không khác nhau v.v...
Theo VOA (Mỹ), quốc phòng an ninh và mua bán vũ khí được coi là thế mạnh trong sự hợp tác giữa Nga với các nước châu Phi. Được biết, châu Phi hiện chiếm 30% đến 40% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Nhưng trong lĩnh vực này, Nga đồng thời cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ Trung Quốc và các nước khác.
Song song với phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh Sochi, Nga cũng không quên phô trương sức mạnh quân sự trước các đại biểu châu Phi. Hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 - lực lượng chủ lực trong các cuộc tấn công hạt nhân không quân chiến lược, đã cất cánh từ Nga, bay qua biển Caspian, biển Ả Rập, Ấn Độ Dương và hạ cánh xuống Nam Phi sau hơn 10 giờ bay và tiếp nhiên liệu trên không. Để phối hợp với lần hành động này, các máy bay vận tải quân sự quy mô lớn của Không quân Nga, như Il-62 và An-124, đã đến Nam Phi trước đó.
Nga đang dần xoay trục sang châu Phi. Ảnh: AFP
Tại hội nghị thượng đỉnh Sochi, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu Nga sẽ bước vào châu Phi và mở rộng trao đổi thương mại với Lục địa đen, đồng thời miễn cho các nước châu Phi khoản nợ 20 tỷ USD, con số này tương đương với kim ngạch thương mại hàng năm hiện nay giữa Nga và châu Phi.
Nga-TQ hiện không xung đột lợi ích ở châu Phi
VOA cho biết, khác với Trung Quốc, Nga sử dụng một cách khác để tăng tường các mối quan hệ châu Phi.
So với nhiều cường quốc phương Tây đã hiện diện hoạt động ở châu Phi trong một thời gian dài, kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước châu Phi vẫn còn khiêm tốn, không thể so sánh với kim ngạch thương mại giữa Mỹ và châu Phi, Pháp và châu Phi, càng ít hơn rất nhiều so với kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi.
Nhưng so với Trung Quốc, hiện đang hoạt động tích cực ở châu Phi, Nga có một cách tiếp cận hoàn toàn khác để tương tác với các nước châu Phi.
Quân đội Nga đang hiện diện và thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi, quốc gia được xem là vùng đệm quan trọng về mặt chiến lược. Tính đến thời điểm hiện nay, có khoảng 20 quốc gia châu Phi Kremlin ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga. Như vậy, Nga có điều kiện mở rộng sự hiện diện ở khắp châu Phi, các công ty Nga có cơ hội ký các hợp đồng khai thác khoáng sản, dầu mỏ với các doanh nghiệp châu Phi.
Một số học giả châu Phi ở Nga nói rằng, những cách làm khác nhau đã khiến Nga và Trung Quốc không có xung đột lợi ích ở châu Phi. Hơn nữa, các yếu tố lịch sử cũng ảnh hưởng đến các sự hiện diện của Nga và Trung Quốc ở Châu Phi.
Các sĩ quan châu Phi tại Triển lãm vũ khí Moscow 2015. Ảnh: VOA
Ví dụ, Angola có truyền thống thân Liên Xô và Nga, điều đó khiến các hoạt động của Nga trở nên tích cực hơn Trung Quốc. Cộng hòa Trung Phi, từng là thuộc địa của Pháp và Nga đang đẩy lùi ảnh hưởng của Paris ở đây, truyền thông Nga cho biết.
Ngoài ra, Nga, Trung Quốc và Châu Phi và Nam Phi hiện là thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Điều này cũng tạo điều kiện tích cực cho sự mở rộng ảnh hưởng của Nga-Trung ở châu Phi.
Nga luôn theo dõi hoạt động của TQ ở châu Phi
VOA dẫn lời nhà bình luận chính trị Nikolsky cho biết, vào những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga gần như biến mất ở châu Phi. Sau năm 2000, các hoạt động của Nga ở Châu Phi bắt đầu sôi nổi hơn. Đặc biệt sau xung đột với phương Tây từ năm 2014, điện Kremlin đã chuyển hướng chiến lược mạnh mẽ sang châu Phi.
Chuyên gia Nga cho rằng một yếu tố khác kích thích Moscow trở lại châu Phi là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở lục địa này. Ông tiết lộ, Kremlin và các tổ chức nghiên cứu châu Phi của Nga vẫn luôn chú ý và theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi trong những năm qua nên các chiến lược của Nga ở châu Phi cũng luôn được thay đổi, điều chỉnh.
"Trong nhiều năm qua, giới quan chức cấp cao Nga cũng tin rằng nhiều dự án và hoạt động của Liên Xô ở châu Phi thời điểm đó đã không thành công. Họ thậm chí còn cho rằng, Nga nên nhường ảnh hưởng cho Trung Quốc ở khu vực miền trung và miền nam châu Phi. Nhưng bây giờ rõ ràng là họ đã từ bỏ ý tưởng này", ông nói.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, châu Phi được coi là vũ đài cạnh tranh quan trọng giữa Liên Xô và phương Tây, nhưng vào thời điểm đó, các hoạt động của Liên Xô ở Châu Phi đặc biệt chú trọng đến ý thức hệ. Ảnh hưởng của Liên Xô ở Châu Phi đạt đến đỉnh cao vào đầu những năm 1980. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự tương tác giữa Nga và châu Phi đã giảm đi rất nhiều sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng nó vẫn chưa bị dập tắt, điều này tạo điều kiện cho Nga trở lại châu Phi ngày nay.