Kinh tế Nga ‘hoàn toàn hồi phục’
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố, nền kinh tế Nga đã trụ vững trước những áp lực chưa từng thấy từ bên ngoài và đã phục hồi hoàn toàn.
Đây là một cột mốc quan trọng cho thấy vị thế kinh tế của Nga đã quay trở lại. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đang ở mức thấp nhất lịch sử.
Cách đây 1 tháng, ông chủ Điện Kremlin cho biết Nga đã gia nhập "5 nền kinh tế lớn nhất thế giới" và vượt xa Đức về sức mua tương đương (PPP).
"Có thể nói rằng giai đoạn phục hồi của kinh tế Nga đã hoàn tất. Chúng ta đã trụ vững trước áp lực chưa từng thấy từ bên ngoài, những lệnh cấm vận không ngừng nghỉ từ giới lãnh đạo phương Tây và một số quốc gia không thân thiện" – Ông Putin nói trong cuộc họp về dự thảo ngân sách liên bang giai đoạn 2024-2026.
Nhà lãnh đạo nhấn mạnh, GDP của Nga hiện đã đạt mức tương đương với năm 2021 – thời kỳ trước xung đột, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 2,5 – 2,8% vào cuối năm nay. Điều quan trọng bây giờ là tạo điều kiện để phát triển ổn định lâu dài hơn nữa.
"Ban đầu, chúng tôi nhận những được những số liệu tiêu cực, sau đó dự báo thay đổi, tăng trưởng GDP dự kiến là 1,2%. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta đã vượt qua mức này và tới cuối năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt tới 2,5%, thậm chí có thể hơn, lên 2,8%" – Ông Putin nói.
Kinh tế Nga đã hoàn tất giai đoạn hồi phục, chuyển sang giai đoạn phát triển.
Bên cạnh đó, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga trong tháng 7, cũng như tháng 8 đã phục hồi bằng mức của năm ngoái, trong khi doanh thu từ các mặt hàng khác vượt đáng kể so với số liệu của năm 2022.
Tình hình ngân sách liên bang của Nga cũng đã ổn định. Ông Putin thừa nhận vẫn có một phần thâm hụt nhỏ trong tổng ngân sách năm 2023, nhưng chính phủ Nga đã ghi nhận thặng dư ngân sách trong tháng 8.
Nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập tới một số khó khăn, như "lạm phát gia tăng", nhưng khẳng định chắc chắn rằng vấn đề này sẽ được giải quyết bằng các quyết định chuyên nghiệp.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) diễn ra ở Vladivostok (Viễn Đông) ngày 12/9, ông Putin đã tuyên bố thắng lợi lớn trước phương Tây. Theo đó, Nga đã kiếm được gấp đôi số vàng và dự trữ ngoại hối (trị giá gần 300 tỷ USD) bị phương Tây phong tỏa trong năm 2022.
Ông Putin đồng thời dành nhiều lời khen ngợi cho ngân hàng Nga khi đã có phản ứng "chính xác" và "kịp thời" trước sự sụt giảm của đồng rúp, hạn chế tác động của nó đối với tình hình lạm phát.
Theo News24, một số kênh truyền thông phương Tây bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự xoay chuyển của kinh tế Nga bởi cách đây một thời gian ngắn, nước Nga vừa chìm trong cảnh mất điện triền miên, các trạm xăng cạn nhiên liệu và giá nhiên liệu vọt cao kỷ lục.
Chỉ số ‘cao hiếm thấy’
Liên quan đến sự phục hồi của kinh tế Nga, hãng tin Bloomberg cho biết, nhu cầu diesel trên toàn cầu đang gia tăng, mang tới lợi ích cho một trong những loại dầu xuất khẩu quan trọng của Nga. Dầu được bơm từ khu vực Viễn Đông của Nga đang được giao dịch ở mức "cao hiếm thấy" so với dầu tiêu chuẩn toàn cầu Brent.
Cụ thể, ESPO – loại dầu giàu diesel được một số nhà máy lọc dầu Trung Quốc ưa chuộng – đã tăng lên mức giá cao hơn so với dầu Brent (dù mức chênh lệch nhỏ) trong các lô hàng được giao vào tháng tới.
Sự biến đổi này đã đảo ngược tình huống đầu năm nay, khi giá dầu ESPO sụt giảm đáng kể do bối cảnh thị trường biến động.
Lô dầu thô ESPO của Nga giao tới Trung Quốc trong tháng 10 này được giao dịch ở chênh lệch khoảng 50 cent/thùng so với dầu Brent. Theo nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler Viktor Katona, đó là mức cao nhất kể từ khi các quốc gia phương Tây đưa ra mức giá trần.
"Lần gần đây nhất ESPO có giá nhỉnh hơn dầu Brent là vào tháng 11/2022. Mặc dù trước đó loại dầu này chủ yếu được một số nhà máy lọc dầu tư nhân Trung Quốc ưa thích, nhưng gần đây các nhà máy lọc dầu nhà nước cũng bắt đầu gia tăng số lượng mua. So với mức thường lệ, sẽ có thêm 4 đến 7 lô hàng dầu ESPO được đưa tới (Trung Quốc) trong tháng 10" – Chuyên gia Katona cho hay.
Chính phủ Nga đã bơm gói kích thích tài chính hơn 6.000 tỷ rúp để khôi phục kinh tế.
Trở lại cuộc chơi thương mại toàn cầu
Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức) cho biết, hoạt động thương mại của Nga đã phục hồi trong tháng 8 vừa qua.
"Tại các cảng của Nga, số lượng tàu container đến cảng đang tăng lên, gần như trở lại mức trước xung đột" - Báo cáo của Kiel cho hay. Nhận định của Kiel dựa trên khối lượng hàng hóa được dỡ tại 3 cảng container lớn nhất của Nga ở St. Petersburg, Vladivostok và Novorossiysk.
Kiel cho biết họ không rõ hàng hóa đến từ đâu, nhưng hoạt động tại các cảng ở Nga "tăng cao một cách đáng ngạc nhiên".
Ông Vincent Stamer, chuyên gia về chỉ số thương mại của Kiel nhận định: "Không rõ nguồn hàng đến từ đâu, nhưng Nga dường như đang tái gia nhập thị trường thương mại thế giới"
6.000 tỷ và quỹ đạo hình chữ V
Bình luận về tuyên bố của ông Putin, chuyên gia kinh tế Nga Valery Mironov cho hay, quá trình phục hồi của kinh tế Nga diễn ra khá nhanh, theo quỹ đạo hình chữ V.
Kinh tế Nga chỉ ghi nhận mức giảm sâu vào quý II năm 2022, sau đó quá trình phục hồi "đã bắt đầu ngay lập tức".
"Điều này được thúc đẩy bởi giá dầu cao ghi nhận trong năm ngoái, mang lại thặng dư thương mại khổng lồ và doanh thu vãng lai hơn 250 tỷ USD. Xét về khía cạnh tích cực thì đây là một dòng ngoại tệ đáng kể đổ vào, khiến đồng rúp mạnh lên.
Ngoài ra, quan trọng nhất là chính phủ Nga đã bơm gói kích thích tài chính trị giá hơn 6 nghìn tỷ rúp vào nền kinh tế" - Ông Mironov cho biết.
Theo vị chuyên gia, các biện pháp trừng phạt "không có tác động nhiều" tới kinh tế Nga.
"Ngay cả khi nguồn cung cấp linh kiện và phụ tùng nhập khẩu bị ngừng lại thì sau đại dịch COVID-19, chúng tôi đã tìm cách tạo ra nguồn dự trữ trên mức thông thường" - Ông Mironov nói, đồng thời nhấn mạnh rằng hiện nay Nga "gần như đã khôi phục được mức trước khủng hoảng ở hầu hết các lĩnh vực" , chỉ có dầu và khí đốt có tổng khối lượng thấp hơn một chút so với mức trước khủng hoảng.
Theo vị chuyên gia, các ngành Nga đang phát triển tự tin là những ngành gắn với công nghiệp chế tạo nhằm mục đích thay thế nhập khẩu.