Theo sắc lệnh được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ngày 30/7, nguyên Tư lệnh lực lượng Nga tại Syria, thượng tướng Andrey Kartapolov sẽ trở thành Thứ trưởng Quốc phòng Nga kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Liên bang Nga.
Bộ Quốc phòng Nga thành lập Tổng cục Chính trị Quân sự, với mục đích huấn luyện quân nhân cho hoạt động tác chiến trong hình thức chiến tranh lai - loại hình chiến tranh kết hợp chiến tranh nghị trường, chiến tranh quy ước, chiến tranh phi qui ước và chiến tranh công nghệ cao, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác Quân sự Quốc tế, thượng tướng Leonid Ivashov giải thích.
Nhận định về chức năng của Tổng cục Chính trị Quân sự quân đội Nga, thượng tướng Leonid Ivashov giải thích:
“Chức năng của tổng cục này sẽ khác hoàn toàn so với chức năng của Tổng cục Chính trị trong quân đội Liên Xô, bởi trên thực tế tổng cục mới này được thành lập hướng tới việc giáo dục chính trị và công tác chính trị trong các hoạt động quân sự ở thời điểm hiện tại khi hình thức chiến tranh lai ngày càng phổ dụng”.
Quân nhân Nga trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5/2016. (Ảnh: Sputnik)
“Hiện nay, không thể xây dựng quân đội Nga mà không có sự phối hợp mạnh mẽ với hoạt động giáo dục chính trị và giáo dục lý tưởng”, thượng tướng Leonid Ivashov cho biết, đồng thời ông nhấn mạnh rằng Tổng cục Chính trị Quân sự quân đội Nga được thành lập trong bối cảnh các hoạt động tuyên truyền chống Nga dưới mọi hình thức đang được các thế lực thù địch tăng cường sử dụng.
Chuyên gia an ninh Việt Nam, đại tá Nguyễn Minh Tâm nhận định rằng việc Bộ Quốc phòng Nga thành lập Tổng cục Chính trị Quân sự quân đội Nga là bước tiến mới của Quân đội Nga, sau những thay đổi mang tính chất lột xác về hoạt động chỉ huy, tác chiến cũng như hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự.
“Không có bất cứ lực lượng quân đội nào tồn tại phi chính trị, đứng ngoài chính trị. Quân đội Nga, quân đội Mỹ hay quân đội bất cứ quốc gia nào đều có mối quan hệ chặt chẽ với chính trị quốc gia mình, dân tộc mình”, đại tá Nguyễn Minh Tâm giải thích.
Theo đại tá Nguyễn Minh Tâm, việc giáo dục chính trị cho quân đội ở mỗi nước có sự khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện từng quốc gia, dân tộc.
“Đơn cử, việc giáo dục chính trị ở các quốc gia phương Tây hoặc được thực hiện dưới danh nghĩa tôn giáo như Cơ quan Tuyên úy của quân đội Mỹ, hoặc được tích hợp vào chế độ 1 người chỉ huy”, đại tá Nguyễn Minh Tâm cho biết.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhận xét rằng việc đánh đồng chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Chính trị Quân sự của quân đội Liên bang Nga mới được thành lập với Tổng cục Chính trị của quân đội Liên bang Xô Viết trước đây là điều hoàn toàn khiên cưỡng.
“Việc khôi phục các chức vụ Chính ủy, Chính trị viên trong quân đội Nga sẽ không xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì tên gọi và chức vụ sẽ hoàn toàn khác”, đại tá Nguyễn Minh Tâm lý giải.
“Quan điểm đánh đồng này được sử dụng để hù dọa các nước láng giềng Nga rằng Liên Xô sắp được tái lập, tạo cớ để truyền thông phương Tây tiếp tục xuyên tạc về Liên bang Nga hiện nay và Liên bang Xô viết trước đây nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau của các nước phương Tây”, đại tá Nguyễn Minh Tâm kết luận.
Video: Quân đội Nga trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5/2018
Trong quân đội Liên Xô, Tổng cục Chính trị đảm nhận nhiệm vụ công tác đảng, giám sát các cơ quan tuyên huấn của các quân chủng, binh chủng cũng như các học viện, trường quân sự của Liên Xô.
Tổng cục Chính trị quân đội Liên Xô là cơ quan chủ quản của Học viện Chính trị Quân sự mang tên V.I. Lenin, Viện Lịch sử quân sự, 11 trường Cao đẳng chính trị quân sự, các ban tuyên huấn thuộc 20 học viện quân sự và 150 trường quân sự. Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, cấu trúc giáo dục chính trị trong lực lượng quân đội Nga nhiều lần được thay đổi về vị trí và tên gọi.
Ngay từ khi bước chân vào Điện Kremlin với vai trò là tổng thống Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin vẫn luôn ấp ủ ước mơ xây dựng một nước Nga hùng mạnh, trở lại vị trí siêu cường cả về quân sự và kinh tế, ông vẫn đang từng bước thực hiện hoá giấc mơ đó.
Tại một diễn đàn vào năm 2010 nhà lãnh đạo Nga từng có một câu nói nổi tiếng “Ai muốn nước Nga quay trở lại thời kỳ Xô viết thì người đó không có trí óc; Ai muốn nước Nga phải quên đi thời kỳ Xô viết thì người đó không có trái tim”.
Câu nói này của ông thường xuyên bị các lực lượng chống Nga, bài Nga lợi dụng và xuyên tạc cho rằng ông có tham vọng đưa nước Nga trở về thời kỳ Xô viết, tập trung sức mạnh quân sự để thôn tính các nước Liên Xô cũ.
Ông Putin từng nói ông muốn xây dựng một nước Nga tốt đẹp hơn, thành công hơn và không bao giờ đi theo mô hình cũ. Trong chiến dịch bầu cử tổng thống tháng 3/2018 ông không dưới một lần nhắc đến “sức mạnh Nga”.
Tổng thống Putin cam kết muốn đưa Nga trở lại vị thế cường quốc để không một ai dám bắt nạt thì cần phải có cải cách toàn diện từ kinh tế, hành chính, quân đội và hàng loạt các vấn đề nội chính.
Cũng như danh xưng “đồng chí” vẫn được các tướng lĩnh quân đội và an ninh dùng để gọi Tổng thống Liên bang Nga từng trở thành chủ để tranh cãi gay gắt trên các diễn đàn xã hội Nga và quốc tế cho rằng cần thay thế danh xưng “đồng chí” bằng “ngài” để không gợi về thời kỳ Xô Viết.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, cần bảo lưu tên gọi “đồng chí” trong quân đội, vì các lực lượng vũ trang của Nga được xây dựng và phát triển từ nền tảng cơ bản chính từ quân đội Xô Viết.
Những giá trị to lớn của Xô Viết cần được bảo tồn và giữ gìn. Nếu cần thay đổi thì phải bắt đầu từ việc đầu tư cho công nghệ và công nghiệp quốc phòng, chứ không phải từ danh xưng quen thuộc này.
Như vậy, việc thành lập Tổng cục chính trị quân sự quân đội Nga được các chuyên gia đánh giá là một bước đi phù hợp với chiến lược cải cách và quy hoạch, hiện đại hoá quân đội Liên bang Nga.