Trang Al-Monitor đăng tải, ngày 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn các kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân của Nga tại Sudan, nhằm đáp ứng các nhu cầu của hải quân Nga trong khu vực, đồng thời đóng vai trò như một trung tâm hậu cần.
Theo nhiều chuyên gia, quyết định trên đã được chính quyền Nga thông qua từ lâu trước khi có thông báo chính thức. Câu hỏi đặt ra là, tốc độ xây dựng sẽ ra sao khi mà nó phụ thuộc vào những trọng tâm ưu tiên của Điện Kremlin trong tương lai. Bên cạnh đó, cũng tồn tại những nghi ngờ về việc liệu Nga có thực sự muốn mở rộng "dấu chân" của mình tại khu vực.
Yếu tố đầu tiên chính là nền kinh tế và năng lực hậu cần của Nga đang gặp nhiều khó khăn. Đô đốc về hưu của hải quân Nga Viktor Kravchenko cho hay, sẽ mất khoảng 3 đến 4 tháng để hoàn thành những cơ sở hạ tầng cơ bản nhất tại Biển Đỏ.
Trước đó, Al-Monitor từng đưa tin, hiện sự hiện diện của Nga tại Biển Đỏ cho tới nay vẫn không rõ rệt.
Tháng Một năm ngoái, Nga và Sudan đã kí kết một hiệp định tạo thuận lợi cho tàu Nga đi lại. Tuy nhiên, đây cũng là loại thỏa thuận mà Moscow thường xuyên kí kết với các nước, bao gồm cả một đồng minh của Mỹ là Nicaragua.
Mong muốn đẩy nhanh tốc độ xây dựng căn cứ sẽ đối mặt với không ít trở ngại. Có hai lựa chọn để vận chuyện các phương tiện bảo vệ - hệ thống phòng không, công cụ chiến tranh điện tử cùng thiết bị hạ tầng phục vụ các mục tiêu xã hội - tới Cảng Sudan.
Thứ nhất là bằng đường hàng không thông qua quá cảnh ở căn cứ không quân Khmeimim và thứ hai là bằng đường biển. Một trong những khó khăn hàng đầu là Nga không có nhiều tàu sẵn sàng di chuyển quãng đường xa như vậy.
Một chuyên gia về năng lượng nhận định, nhìn từ góc độ cung cấp năng lượng, địa điểm căn cứ mới không hề hợp lý. Căn cứ tại Sudan sẽ được xây dựng gần một thành phố có khoảng 600.000 dân, sở hữu một nhà máy lọc dầu và một cảng tàu lớn nhất đất nước.
Cùng lúc, thành phố chỉ có một nhà máy sản xuất điện bằng dầu với năng suất 337 megawatt. Tất cả những điều đó khiến việc cung cấp năng lượng cho căn cứ mới trở nên khó khăn. Sudan cũng không có nhiều tài nguyên năng lượng và chi phí cũng không hề rẻ.
Ngoài ra, theo thỏa thuận, Nga có thể để bốn tàu của mình tại căn cứ, bao gồm cả tàu chạy bằng hạt nhân. Tuy nhiên, trong thực tế, cơ sở hạ tầng tại Cảng Sudan và Biển Đỏ không hoàn toàn thích hợp để neo và phục vụ cho các tàu ngầm chạy bằng hạt nhân.
Người Iran sử dụng tàu ngầm chạy bằng dầu trong khi Trung Quốc có lẽ là bên duy nhất tại Djibouti chuẩn bị triển khai các triển dịch nạo vét đáy biển quy mô lớn. Bên cạnh đó, các tàu mặt nước của Nga chạy bằng hạt nhân lại không mang theo tên lửa hành trình Kalibr có thể đe dọa các nước đang hiện diện trong khu vực.
Người đứng đầu Trung tâm An ninh Quốc tế, thuộc Viện nghiên cứu Primakov là Alexey Arbatov chỉ ra, kế hoạch thúc đẩy vị thế của Nga tại khu vực có thể đòi hỏi thêm chi phí. Ngoài ra, Moscow cần phải thận trọng về nguy cơ bất ổn chính trị tại Sudan.
Yếu tố thứ hai là cạnh tranh giữa Nga và các cường quốc khác trong khu vực. Trung Quốc đặc biệt đang không ngừng mở rộng hiện diện và đưa các dự án Một Vành đai, Một Con đường tới loạt nước châu Phi.
Truyền thông cấp tiến của Nga từng coi căn cứ hải quân tại Sudan là một bước đi đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn từ góc độ này, Nga thể hiện sự quyết tâm thông qua kế hoạch xây dựng căn cứ trong khi Ankara vẫn đang loay hoay tìm cách tìm lại ảnh hưởng của mình.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa tự thiết lập được căn cứ hải quân tại Sudan không chỉ do Khartoum ngày càng thắt chặt quan hệ với UAE và Ai Cập. Có căn cứ tại Suddan sẽ giúp Ankara triển khai sức mạnh của mình hiệu quả hơn khi phối hợp với các cơ sở hạ tầng khác của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar và Somalia.
Đây không phải là lần đầu tiên Moscow theo đuổi lập trường chống Thổ Nhĩ Kỳ trong các tranh chấp chính trị, thậm chí còn đứng cùng phe với những lực lượng chống Thổ trong khu vực. Và ngay cả khi các hành động của Moscow không khiến quan hệ song phương với Ankara phát sinh những hậu quả nghiêm trọng, yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn ảnh hưởng tới cách hành xử của Moscow.
Ngoài ra, Cảng Sudan nằm đối diện với Mecca tại Arab Saudi. Từ góc độ này, các hành động của Nga có thể dễ dàng bị hiểu là gây bất ổn, đặc biệt nếu Nga triển khai những hạ tầng trinh sát hay lực lượng đặc biệt, cũng như các công ty quân sự tư nhân tới cơ sở mới.
Yếu tố thứ ba và có lẽ cũng quan trọng nhất đó là thái độ không hài lòng của Sudan trước chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ý tưởng thiết lập căn cứ của Nga tại Biển Đỏ trỗi dậy vào thời điểm ông Trump đầu tiên hứa đưa Sudan ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.
Tuy nhiên sau đó Washington lại gia hạn tình huống khẩn cấp quốc gia với Sudan thêm một năm mặc dù Kartoum đã nhượng bộ bằng cách chi trả đền bù cho các nạn nhân bị tấn công khủng bố và đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel.
Vì vậy không quá khi nhận định, trong tương lai Sudan có thể sử dụng các quan hệ với Nga để "mặc cả" với Mỹ trong trường hợp chính quyền Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện tại. Sudan cũng có thể thay đổi quyết định về căn cứ quân sự cho dù chính quyền Khartoum có quan tâm tới việc nhận được các thiết bị quân sự từ Nga.
Cho dù thế nào, một mục tiêu lớn cho các hoạt động của Nga ở nước ngoài, chính là phô diễn sức mạnh trước Mỹ. Đội ngũ của ông Biden không thể trốn tránh vấn đề quan hệ với Sudan.
Rất có thể Washington sẽ cố gắng lôi kéo các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel – điều mà chính quyền mới gần như chắc chắn sẽ nhìn nhận là một quá trình lâu dài thay vì một sản phẩm từ chính quyền Trump để lại. Vì vậy, vấn đề phụ thuộc vào liệu Moscow, cũng như Sudan có sử dụng căn cứ mới để mặc cả trong chính trị quốc tế hay không.