Nga làm gì để giữ ngôi "ông trùm" vũ khí thứ 2 thế giới?

Vy Lam |

Năm nay, trong danh mục vũ khí mà Nga sẽ cung cấp cho các đối tác nước ngoài có rất nhiều loại khí tài: từ vũ khí bộ binh, tàu chiến đến các hệ thống phòng không.

Mới đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố rằng, Nga đứng thứ hai trên thế giới về cung cấp vũ khí và Nga nên giữ vị trí này, ít nhất là bởi việc xuất khẩu vũ khí là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách.

Trong năm 2015, sản lượng xuất khẩu vũ khí Nga lên tới 15,2 tỷ USD. Để giữ vững vị thế trên thị trường vũ khí thế giới, năm nay, trong danh mục vũ khí mà Nga sẽ cung cấp cho các đối tác nước ngoài có rất nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự: từ vũ khí bộ binh, tàu chiến đến các hệ thống phòng không.

Trong khảo sát do Kênh truyền hình Ngôi Sao của quân đội Nga tiến hành, các chuyên gia đã được đề nghị trả lời câu hỏi: Nga sẽ xuất khẩu những hệ thống vũ khí nào và cho những nước nào?

Tổng biên tập của tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" Andrey Frolov lưu ý rằng, như dự kiến, Nga sẽ xuất khẩu nhiều loại kỹ thuật quân sự và vũ khí lục quân, kể cả cho các nước CIS.

Ví dụ, Nga đã ký hợp đồng với Armenia để cung cấp các loại thiết bị quân sự trị giá 300 triệu USD. Ngoài ra, Kyrgyzstan và Tajikistan sẽ nhận được các xe bọc thép và vũ khí bộ binh từ kho lưu giữ hàng dự trữ của Bộ Quốc phòng Nga.

Trên các thị trường nước ngoài có nhu cầu lớn về xe bọc thép của Nga. Tổng biên tập báo "Người đưa tin quân sự công nghiệp" Mikhail Khodarenok cho biết: T-90 là loại xe tăng bán chạy nhất thế giới.

Các chuyên gia nước ngoài rất quan tâm đến T-14 - mẫu xe tăng mới nhất trên nền tảng "Armata". Ngoài ra, theo Phó giám đốc của nhà máy Uralvagonzavod - tướng Vyacheslav Khalitov, xí nghiệp này cung cấp dịch vụ đại tu và hiện đại hóa xe tăng T-72 để chiến đấu trong môi trường đô thị.

Nga làm gì để giữ ngôi ông trùm vũ khí thứ 2 thế giới? - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata

Các loại máy bay vẫn chiếm thị phần lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Theo ông Frolov, năm nay Nga bắt đầu cung cấp máy bay trực thăng Mi-28 cho Algeria và sẽ tiếp tục cung cấp Mi-28 và Mi-35 cho Iraq.

Máy bay trực thăng chiến đấu Ka-52 sẽ được chuyển giao cho Ai Cập. Hai chiếc máy bay trực thăng sẽ được cung cấp cho khách hàng ở Serbia. Bangladesh và Belarus đã nhận được máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130.

Nga làm gì để giữ ngôi ông trùm vũ khí thứ 2 thế giới? - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu Su-35 của Không quân Nga.

Các máy bay chiến đấu Su-30 đáp ứng yêu cầu cụ thể của khách hàng sẽ được gửi cho Ấn Độ và Việt Nam. Trên thực tế, Su-30 là một trong những loại máy bay chiến đấu phổ biến nhất trên thị trường quốc tế. Song, thời gian tới sẽ có thêm phiên bản xuất khẩu hiện đại nhất của Su-35.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ký hợp đồng với Nga về cung cấp các máy bay chiến đấu đa năng Su-35.

Đứng thứ hai trong danh mục vũ khí xuất khẩu của Nga là các hệ thống phòng không và thiết bị hải quân.

Ví dụ, lô hàng đầu tiên theo hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga đã tới Iran. Sư đoàn S-300PS bắt đầu thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu tại Belarus. Nga sẽ gia tăng sản lượng xuất khẩu hệ thống S-400 tân tiến nhất. Như dự kiến, Trung Quốc sẽ trang bị 2 trung đoàn S-400.

Nga làm gì để giữ ngôi ông trùm vũ khí thứ 2 thế giới? - Ảnh 3.

Niềm tự hào S-400 của Nga.

Một trong những sự kiện lớn trong năm nay sẽ là lễ chuyển giao cho Algeria chiếc tàu ngầm diesel-điện đầu tiên thuộc đề án 636, lớp Varshavyanka. Hải quân Kazakhstan sẽ nhận chiếc tàu quét mìn thuộc Dự án 1265.

Và tất nhiên, Nga tiếp tục thực hiện hợp đồng cung cấp tàu Gepard 3.9 cho Việt Nam. Hiện tại, 2 chiếc tàu mới đang được xây dựng và sẽ sớm được chuyển giao cho khách hàng.

Ngoài ra, trên thị trường thế giới còn có nhu cầu về tàu ngầm lớp Varshavyanka vừa nói ở trên của Nga, cũng như tàu ngầm thuộc đề án 677, lớp Lada.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại