Nga không để yên khi Mỹ tìm cách “thống trị” quân sự toàn cầu

Kiều Anh |

Nga cho biết Mỹ đang tìm cách đứng đầu mọi mặt về quân sự nhưng Tổng thống Putin cố gắng để đảm bảo điều đó sẽ không xảy ra.

Thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III ngày 23/2 ở Căn cứ Không quân Vandenberg tại California, Mỹ. Ảnh: Lực lượng Không gian Mỹ

Thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III ngày 23/2 ở Căn cứ Không quân Vandenberg tại California, Mỹ. Ảnh: Lực lượng Không gian Mỹ

Nga không để yên khi Mỹ tìm cách thống trị quân sự toàn cầu

Phát biểu với hãng tin RIA Novosti, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đánh giá về những nỗ lực gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc bằng cách chi 18 tỷ USD cho các máy bay đánh chặn ở Alaska.

Bà Maria Zakharova cũng nhận định, dự án này, cùng với các hệ thống tấn công và phòng thủ mới được triển khai ở nước ngoài "có thể và đang dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng ở lĩnh vực an ninh".

"Kế hoạch trên đang đảo lộn cán cân quyền lực chiến lược trên thế giới và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang, bao gồm cả chạy đua tên lửa", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho hay.

Mặc dù hoan nghênh những động thái ban đầu của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thảo luận về việc kiểm soát vũ trang với Moscow nhưng bà Zakharova cũng cảnh báo việc tăng cường lực lượng hiện nay của Mỹ đang châm ngòi cho những căng thẳng ở mức độ thậm chí vượt ra ngoài hành tinh này.

"Mỹ đang khao khát thống trị hoàn toàn về mặt quân sự cũng như muốn làm suy yếu khả năng phòng thủ hạt nhân của Nga khi tập trung vào xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu.

Những nỗ lực khác của họ nhằm hướng tới mục tiêu này còn bao gồm sự mở rộng về khả năng của quân đội trong không gian và việc tạo ra các loại vũ khí tấn công chớp nhoáng phi hạt nhân có độ chính xác cao”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho hay.

Ý tưởng tấn công toàn cầu chớp nhoáng (PGS) có từ đầu những năm 2000, nhằm phát triển một loại vũ khí theo quy ước có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất chỉ trong 1 giờ.

Việc tập trung vào dự án này đã mai một trong những năm qua nhưng nay đã được hồi sinh với sự ra đời của ngày càng nhiều vũ khí siêu thanh tiên tiến, đặc biệt là những vũ khí được Nga phát triển.

Mỹ cũng có nỗ lực tương tự trong thời gian gần đây nhưng đã gặp thất bại khi tiến hành thử Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A phóng từ máy bay ném bom B-52H Stratofortress trong cuộc thử nghiệm hồi tháng trước. Không quân Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục những nỗ lực trên bất chấp những bước lùi hiện tại.

Nga khẳng định sẽ theo kịp bất kỳ tiến bộ quân sự nào của Mỹ.

"Về phần mình, chúng tôi sẽ hành động dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Nga Putin để đảm bảo cùng tồn tại không xung đột qua việc duy trì sự cân bằng về quyền lực và sự ổn định chiến lược", bà Zakharova cho hay.

Đối đầu và hợp tác Nga – Mỹ dưới thời Biden

Dù vậy, sự hiện diện quân sự trên toàn cầu của Mỹ vẫn không có nước nào theo kịp. Lầu Năm Góc duy trì hơn 800 căn cứ quân sự trên thế giới. Khoảng 70.000 quân Mỹ đang hoạt động ở châu Âu, trong đó có những nước thuộc liên minh quân sự NATO có biên giới trực tiếp với Nga.

Ở 2 quốc gia như vậy, gồm Romania và Ba Lan, Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến mà Nga từ lâu cho rằng hệ thống này có thể thay đổi mục đích từ phòng thủ chuyển sang tấn công.

Tháng 8/2019, cựu Tổng thống Trump đã bất ngờ rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết năm 1987 cấm các vũ khí tầm trung phóng từ mặt đất.

Khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố theo đuổi phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân tiên tiến “không thể bị đánh bại” đối với hệ thống phòng thủ hiện đại, ông Trump đã đề xướng bản Đánh giá Phòng thủ tên lửa năm 2019 mở rộng với mục đích thiết lập một hệ thống phòng thủ có thể "phát hiện và phá hủy bất kỳ tên lửa nào nhằm vào nước Mỹ bất kỳ ở đâu và bất kỳ khi nào".

Về phần mình, Tổng thống Biden đã thể hiện những lập trường được cân nhắc kỹ càng hơn về hệ thống tên lửa của Mỹ so với người tiền nhiệm. Giữa lúc cả 2 đều trong giai đoạn sản xuất các loại vũ khí chiến tranh mới, ông Biden cho biết ông sẽ không cho dừng việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia với nhiều cuộc thử nghiệm hơn.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Biden đã cho thấy việc đưa vấn đề không phổ biến vũ khí trở thành vấn đề hàng đầu trong các cuộc đàm phán Nga - Mỹ, cũng như việc mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) là một ưu tiên cấp bách.

Kiểm soát vũ trang đến nay đã trở thành chủ đề trung tâm trong các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Mỹ hồi tháng trước đã để ngỏ cơ hội về khả năng diễn ra một Hội nghị Thượng đỉnh song phương.

"Về Hội nghị Thượng đỉnh đó, nếu nó xảy ra, tôi tin là Nga và Mỹ có thể tiến hành một cuộc đối thoại ổn định chiến lược nhằm theo đuổi sự hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát vũ trang và an ninh", ông Biden cho hay.

Mặc dù Tổng thống Biden có những mục tiêu chung với Nga trong các vấn đề đối ngoại liên quan đến hạt nhân như Iran và Triều Tiên, cũng như trong cuộc xung đột ở Afghanistan hay biến đổi khí hậu nhưng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn công khai chỉ trích Tổng thống Putin.

Ông Biden cáo buộc người đồng cấp Nga gây bất ổn ở Ukraine, tiến hành các cuộc tấn công mạng vào Mỹ và can thiệp bầu cử, đồng thời áp các lệnh trừng phạt mới lên Moscow. Nga đã phủ nhận tất cả các cáo buộc trên.

Bất chấp những căng thẳng này, Nga khẳng định sẵn sàng đối thoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết:

"Chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc đối thoại hiệu quả và mang tính xây dựng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tán thành với bất kỳ điều gì, trừ khi các lợi ích và những mối quan tâm của chúng tôi được tính đến, trong đó có khía cạnh phòng thủ tên lửa. Nếu chúng tôi nhận được sự cân bằng về lợi ích, chúng tôi sẽ bắt đầu trao đổi về các thỏa thuận".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại