Nền kinh tế Nga trong những năm tới sẽ rời xa phương Tây với đồng đô la và đồng euro để hướng tới các loại tiền tệ cũng như thị trường thay thế, các biện pháp trừng phạt vì vậy sẽ không thể biến Nga thành Iran thứ hai.
Phó Chủ tịch thứ nhất của ngân hàng Sberbank - ông Alexander Vedyakhin đã mô tả tình hình ngoại thương của Nga đó là vào năm 2022, Moskva đã trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản.
Trong năm qua, tỷ trọng của các quốc gia trung lập trong nhập khẩu tăng từ 50% lên 73% và trong xuất khẩu - từ 43% lên 65%, tỷ trọng của đồng euro và đô la trong xuất khẩu giảm từ 65% xuống 43%, và trong nhập khẩu - từ 65% xuống 45%.
Các chỉ số sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng đã định: lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ làm giảm hơn nữa tỷ trọng giao dịch với phương Tây trong thương mại của Nga và các biện pháp trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng sẽ thúc đẩy Moskva từ bỏ đồng đô la và đồng euro.
Nhà tài chính này cũng ghi nhận Liên bang Nga có thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục 230 tỷ USD (10% GDP), nhưng thành công này bị lu mờ bởi sự sụt giảm nhập khẩu và chi tiêu ngân sách tăng mạnh do chiến sự.
“Đã có một sự thay đổi căn bản trong ngoại thương của Liên bang Nga sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, điều này đã được xác nhận bởi hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản".
"Các nước G7 đã đặt ra nhiệm vụ gây tổn hại nặng nề tới kinh tế Nga, nhưng ngày nay họ vẫn thất bại”, Giáo sư Khoa Tài chính, Lưu thông tiền tệ và Tín dụng của Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân (RANEPA) - ông Yuri Yudenkov kết luận.
Phương Tây đang tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Trọng tâm chính trong hoạt động cấm vận của phương Tây là các biện pháp trừng phạt thứ cấp và giảm hơn nữa thương mại giữa Liên bang Nga và Liên minh châu Âu. Mỹ đã đặt ra nhiệm vụ phá hủy hoàn toàn sự tương tác giữa Nga và châu Âu.
“Mỹ muốn khiến châu Âu phải phụ thuộc và Nga trong tình huống như vậy cần tồn tại và giữ vững lập trường của mình. Mục tiêu trong chính sách của Moskva là tìm kiếm những thị trường mới cần tài nguyên của Nga và nơi có hàng hóa mà chúng ta cần”, ông Yudenkov nói rõ.
Nga đang đổi trọng tâm từ châu Âu sang châu Á, đồng euro và đô la được đổi thành nhân dân tệ và các loại tiền khác, 15 năm trước điều này là không tưởng, nhưng tăng trưởng kinh tế tại phương Đông và sự trì trệ ở phương Tây đã khiến viễn cảnh như vậy có thể xảy ra.
Sự thay đổi trong định hướng ngoại thương và cơ cấu thanh toán ngoại hối không phải là vấn đề, những khó khăn được tạo ra chủ yếu bởi các lệnh cấm vận mà Mỹ đang cố gắng áp đặt lên toàn thế giới thông qua biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Washington có kế hoạch biến Nga thành “Iran thứ hai” và giảm thiểu tương tác thương mại cũng như kinh tế giữa nền kinh tế Nga và phần còn lại của thế giới.
Chính sách của phương Tây đang buộc Nga phải cơ cấu lại ngoại thương và tìm kiếm các thị trường thay thế. Với điều kiện thực hiện hành động hiệu quả và thực dụng, Moskva có thể giảm thiểu thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tình hình thế giới cũng đã thay đổi đáng kể: nếu 10 năm trước, hầu hết các quốc gia sẽ ủng hộ quyết định của Mỹ, thì bây giờ Washington phải tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7, tham gia tuyên truyền và thực hiện bước đi với kết quả không rõ ràng.
Chuyên gia Yudenkov tổng kết: “Các biện pháp trừng phạt đã công bố không có tác dụng, do vậy Mỹ buộc phải đưa ra những gói hạn chế thứ yếu".
"Phương Tây sẽ sớm cạn kiệt các khả năng trừng phạt và áp lực chống Nga sẽ lên đến đỉnh điểm, nhưng Moscow sẽ có thời gian để xây dựng lại nền kinh tế trong thời gian này".
Theo Reporter