Nga không có lỗi trong cuộc khủng hoảng năng lượng?

Xuân Mai |

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đã gây ra sự hỗn loạn và bối rối ở các thị trường châu Âu khi giá khí đốt tăng lên mức cao kỷ lục mới.

Giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh hôm 5-10. Ảnh: Bloomberg

Giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh hôm 5-10. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Nga hôm 5-10 cho hay cuộc khủng hoảng năng lượng đang bao trùm phương Tây được thúc đẩy từ động thái mất cân bằng và quyết liệt ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh Điện Kremlin nỗ lực bác thông tin cho rằng nước này hạn chế nguồn cung khí đốt khiến giá tăng cao.

Giá khí đốt hôm 5-10 tăng cao gấp 8 lần so với giá của 12 tháng trước đó, tương đương giá dầu khoảng 200 USD/thùng, cao hơn gần 3 lần so với giá trị của dầu brent.

Theo Telegraph, giá xăng leo lên mức cao nhất trong 8 năm qua, với một lít hiện có giá gần 1,9 USD. Giá dầu cũng tiếp tục tăng hôm 5-10 trong khi giá dầu Brent có lúc chạm mốc gần 83 USD/thùng trước khi giảm trở lại.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã dao động gần mức cao của 3 tháng trong phiên 5-10 trong bối cảnh giá dầu chạm mức cao nhất trong 3 năm, làm dấy lên lo ngại về lạm phát và khả năng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ.

Ông Putin hôm 5-10 cho rằng: "Mọi người đang chứng kiến những gì xảy ra ở châu Âu. Xuất hiện sự hỗn loạn và bối rối trên thị trường. Tại sao? Bởi vì không ai xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Một số người đang suy đoán về các vấn đề biến đổi khí hậu, một số đang đánh giá thấp vấn đề, một số đang bắt đầu cắt giảm đầu tư vào các ngành công nghiệp khai thác. Tất cả cần phải có một quá trình chuyển đổi suôn sẻ".

Bình luận của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau nhiều đồn đoán cho rằng Moscow đang giữ lại nguồn cung để gây áp lực buộc Đức phải thông qua dự án đường ống dẫn khí đốt mới nối hai nước Nord Stream 2.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế hồi tháng trước cho biết Nga có thể làm nhiều hơn nữa để tăng xuất khẩu sang châu Âu và đảm bảo các kho dự trữ đầy đủ vào mùa đông.

Ông Dieter Helm, một chuyên gia chủ chốt về chính sách năng lượng của Anh, cho rằng Nga là nguyên nhân đầu tiên gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch được quản lý tốt là một giải pháp cho các vấn đề mà thế giới đang chứng kiến trong thị trường khí đốt và điện chứ không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng hiện nay.

Giá dầu thô của Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 còn giá dầu Brent leo lên mức cao nhất 3 năm qua sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh (OPEC+) thống nhất giữ nguyên kế hoạch mỗi tháng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày cho tới ít nhất tháng 4-2022, thay vì tăng sản lượng mạnh hơn như lời kêu gọi của một số quốc gia. Giới đầu tư cho rằng tốc độ tăng sản lượng này của OPEC+ không đủ để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu khi nền kinh tế thế giới hồi phục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại