Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại một cuộc họp ở Moskva. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Ông Mishustin nêu rõ Chính phủ Nga đã thành công trong việc giảm thiểu đáng kể sự tác động của các lệnh trừng phạt đối với người dân và doanh nghiệp Nga. Ông Mishustin cũng thừa nhận nền kinh tế bị chững lại do các lệnh trừng phạt là điều không thể tránh khỏi, song điều này không có nghĩa là nền kinh tế bị hủy hoại.
Thủ tướng Mishustin đưa ra số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ sụt giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nga từng dự đoán nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái sâu, song điều này đã không xảy ra và nước Nga sẽ thoát khỏi giai đoạn khó khăn này, thậm chí trở nên vững mạnh và có sự chuẩn bị tốt hơn.
Cùng ngày, hãng thông tấn MTI dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết cho tới nay, phương Tây đã áp đặt 11.000 biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga song đều không thành công, và lưu ý tình trạng lạm phát và thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt gây ra có thể khiến châu Âu gặp khó khăn hơn.
Thủ tướng Orban nhấn mạnh Liên minh châu Âu cần thay đổi chính sách trừng phạt của mình, nếu không tình hình sẽ vô cùng khó khăn, giá cả sinh hoạt sẽ đắt đỏ và ngành năng lượng sẽ ngày càng rơi vào khó khăn.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, loạt các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva. Chính phủ Nga đã khẳng định rằng nước này đã vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế này.
Mới đây, ngày 21/7, gói trừng phạt thứ 7 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine đã chính thức có hiệu lực, gồm các biện pháp cấm hoạt động mua, nhập khẩu hoặc chuyển giao vàng, trong đó có trang sức.