Vụ tai nạn mới nhất trong quân đội Nga xảy ra tại một căn cứ quân sự ở Bắc Cực, trên bờ Biển Trắng hôm 8/8 tuần trước. Tuy nhiên, giới chức Nga chỉ tiết lộ vụ việc này có liên quan đến hạt nhân hôm 10/8. Vụ nổ tại căn cứ của Nga đã gây ra tình trạng tăng mức phóng xạ.
Giới chuyên gia Mỹ cho biết, vụ tai nạn có thể có liên quan đến vụ thử nghiệm tên lửa hành trình Burevestnik mà Tổng thống Vladimir Putin từng tự hào khoe là “vũ khí bất bại” hồi đầu năm nay.
Ngày hôm qua, Nga đã tổ chức lễ tưởng niệm các nhà khoa học thiệt mạng trong vụ tai nạn. Tại buổi lễ, người đứng đầu cơ quan Rosatom - ông Alexei Likhachev tuyên bố, họ sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển vũ khí nói trên. "Điều tốt nhất để tưởng nhớ đến các nhà khoa học chính là việc chúng ta tiếp tục nỗ lực theo đuổi mục tiêu phát triển các vũ khí mới”, các hãng tin Nga dẫn lời ông Alexei Likhachev cho biết.
"Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ của tổ quốc. An ninh của đất nước sẽ được đảm bảo một cách đáng tin cậy”, ông Likhachev đã phát biểu như vậy.
Trước đó, hồi tuần trước, Nga đã tiến hành một vụ thử tên lửa. Theo các nguồn tin, tên lửa đang được thử nghiệm trên một bệ phóng trên biển thì nhiên liệu bắt lửa và gây ra một vụ nổ. Nhiều nhân viên phục vụ trong vụ thử đã thổi bay xuống biển do sức mạnh từ vụ nổ.
Quân đội Nga thông báo về cái chết của hai “chuyên gia” ngay sau vụ nổ nhưng không rõ liệu đó có phải là hai nạn nhân nằm trong số 5 nhà khoa học được Rosatom thông báo thiệt mạng hay không.
3 người khác bị thương trong vụ tai nạn, Rosatom cho hay. Quân đội Nga ban đầu không cho biết vụ tai nạn có liên quan đến thiết bị hạt nhân, nhấn mạnh rằng mức độ phóng xạ trong khu vực bình thường sau vụ tai nạn.
Tuy nhiên, thành phố Severodvinsk gần đó ghi nhận mức phóng xạ gia tăng và nhiều người dân lo lắng đi mua iot để chống lại phóng xạ.
Trong thông điệp liên bang hồi đầu năm nay, Tổng thống Putin đã thông báo về dự án phát triển thứ vũ khí được ông gọi là tên lửa “bất bại”. Ông Putin đe dọa sẽ triển khai tên lửa mới này nhằm vào “các trung tâm ra quyết định” của các nước phương Tây nếu Nga đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng, tên lửa vừa được thử hồi cuối tuần và bị nổ chính là tên lửa 9M730 Burevestnik mà ông Putin nhắc đến trong thông điệp liên bang. Tên lửa này được phương Tây gọi tên là SSC-X-9 Skyfall.
Tên lửa 9M730 Burevestnik được thiết kế như một tên lửa hành trình xuyên lục địa có động cơ hạt nhân và được trang bị đầu đạn hạt nhân, có khả năng bay ở “tầm bay không giới hạn”. Tên lửa mới thậm chí còn có thể bay quanh toàn cầu trong vòng vài ngày nếu cần.
Quân đội Nga cho hay, năng lực có thể bay ở tầm bay không giới hạn của tên lửa Burevestnik sẽ được kết hợp với “năng lực hoạt động linh hoạt không hạn chế” gây kinh ngạc. Những đặc tính trên sẽ khiến cho tên lửa Burevestnik cực kỳ khó để đánh chặn trong khi nó có thể xuyên phá bất kỳ hệ thống phòng thủ nào của kẻ thù.
Nếu tên lửa mới của Nga thực sự được đưa vào hoạt động đầy đủ thì Moscow có thể phóng đi các tên lửa “từ lục địa Châu Á, cài đặt chương trình để nó bay qua Thái Bình Dương, đi vòng qua Nam Mỹ và xâm nhập vào không phận Mỹ từ Vịnh Mexico", bài báo được đăng tải trên tờ Popular Mechanics cách đây vài tháng cho biết.
Tờ Diplomat của Mỹ từng đưa tin, tên lửa Burevestnik của Nga đã trải qua một vụ thử nghiệm “thành công một phần” hôm 29/1 tại một địa điểm ở phía nam nước Nga. Bài báo dẫn lời các nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho hay, “không nước nào cho đến nay” có thể triển khai thành công một tên lửa hành trình có động cơ hạt nhân do “những thách thức về mặt kỹ thuật” cũng như do những lo ngại về an toàn.
Nếu được triển khai thành công, tên lửa Burevestnik thực sự sẽ là thứ vũ khí chưa từng có trong tiền lệ xét cả về những đặc tính và năng lực của nó. Tên lửa mới của Nga gần giống với tên lửa Tomahawk tầm xa của Mỹ, trừ việc tên lửa của Mỹ chỉ có tầm bắn tối đa là 2.500km trong khi tầm bắn của tên lửa Burevestnik là không giới hạn.
Tên lửa Burevestnik trở thành thứ vũ khí khiến Mỹ và phương Tây đều hết sức lo ngại.