Nga học chiêu "cho không" của Mỹ để thanh lý kho vũ khí cũ?

Sao Đỏ |

Nga mới đây cho biết, họ sẽ "tặng" Không quân Serbia 6 tiêm kích MiG-29 với điều kiện quốc gia Balkan này chịu bỏ chi phí đại tu, sửa chữa.

Như vậy, để được nhận 6 chiến đấu cơ MiG-29 đã qua sử dụng, phía Serbia chỉ phải bỏ ra khoản tiền 20 triệu USD thay vì 100 triệu USD nếu thực hiện hợp đồng mua sắm thương mại như bình thường.

Hiện tại trong biên chế Không quân Serbia chỉ có 4 máy bay MiG-29, 20 tiêm kích MiG-21 đã cũ, cùng 17 chiếc J-22 chế tạo dưới thời Nam Tư. Nếu chấp nhận đề nghị của Nga, số MiG-29 sắp bổ sung sẽ tăng cường đáng kể cho năng lực bảo vệ bầu trời của quốc gia vùng Balkan này.

Nga học chiêu cho không của Mỹ để thanh lý kho vũ khí cũ? - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Nga

Hành động này của Nga rất giống với cách mà Mỹ đã từng làm nhiều lần, đó là cung cấp cho đồng minh một số lượng nhất định tiêm kích F-16 đang được bảo quản, lưu trữ tại căn cứ Davis-Monthan, đối tác chỉ phải chịu chi phí nâng cấp và sửa chữa.

Tiêu biểu cho trường hợp trên có thể kể đến sự kiện trong năm 2012, Mỹ cùng với Indonesia đã thông qua thỏa thuận có nội dung quốc gia Đông Nam Á sẽ nhận được 24 tiêm kích F-16 Block 25 đã qua sử dụng để sau đó nâng cấp lên chuẩn Block 52. Ngoài ra, họ còn được bàn giao 6 máy bay cùng loại để lấy phụ tùng thay thế.

Số tiêm kích F-16 trên Mỹ sẽ chuyển giao dưới dạng "cho không", nhưng các khoản chi phí nhằm phục vụ đại tu và nâng cấp thì Chính phủ Indonesia phải chi trả. Ước tính Indonesia sẽ bỏ ra khoảng 750 triệu USD để sở hữu số chiến đấu cơ trên.

Nga học chiêu cho không của Mỹ để thanh lý kho vũ khí cũ? - Ảnh 2.

Một chiếc F-16 của Không quân Indonesia

Tương tự như Mỹ, Nga cũng đang lưu trữ một số lượng khổng lồ chiến đấu cơ thế hệ cũ như MiG-29 hay Su-27 đời đầu. Do đang trên đà hiện đại hóa bằng MiG-35 và Su-30SM, Su-35S... họ không có nhu cầu đưa chúng trở lại bầu trời.

Nếu tiếp tục cất giữ thì ngoài việc phải bỏ chi phí bảo quản, Nga sẽ không thu được bất cứ một lợi ích kinh tế nào khác. Bởi vậy trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì chẳng thà chấp nhận bán rẻ còn hơn kiên quyết "làm giá" như 12 chiếc Su-30K trước kia, hơn nữa lại còn thắt chặt thêm mối quan hệ với đồng minh.

Đây liệu có phải là cơ hội để những nước có truyền thống sử dụng vũ khí Nga khẩn trương nắm bắt?

Nga học chiêu cho không của Mỹ để thanh lý kho vũ khí cũ? - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-27SM được nâng cấp từ khung thân những chiếc Flanker cũ

Mặc dù nghe qua có vẻ rất hấp dẫn nhưng cần lưu ý rằng MiG-29 hay Su-27 đời đầu có tuổi khung rất thấp, kém xa máy bay Mỹ, dẫn đến tình trạng "một tiền gà ba tiền thóc" từng khiến nhiều nước phải cắn răng loại biên do không chịu nổi chi phí hoạt động cũng như sửa chữa của chúng, tình trạng trên chắc chắn còn thê thảm hơn đối với chiến đấu cơ qua sử dụng.

Nhược điểm này được cho là rào cản lớn nhất ngăn cản Nga có thể gia nhập thị trường tiêm kích secondhand mà Mỹ đang giữ vị trí thống soái. Nhiều khả năng họ chỉ thành công với chiến lược trên khi đưa ra lời đề nghị với những nước đang trong tình trạng chiến tranh, cần gấp máy bay chiến đấu để nhanh chóng triển khai như Syria, Armenia hay Azerbaijan... mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại