Nga và phương Tây ngày 31/1 một lần nữa tranh cãi gay gắt tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Ukraine, trong bối cảnh các bên chưa tìm được tiếng nói chung nhằm sớm hoá giải mâu thuẫn ở biên giới Nga-Ukraine cũng như cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Đại diện các nước tham gia phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Ukraine hôm 31/1. Ảnh: EPA
Theo Guardian, phát biểu tại phiên họp, đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya đã chỉ trích việc Mỹ và đồng minh cố gắng thổi phồng tình hình ở biên giới Ukraine với những lời cáo buộc vô căn cứ về việc Moscow sắp tấn công quốc gia láng giềng.
Nhà ngoại giao Nga cho rằng những cáo buộc trên được sử dụng nhằm hợp thức hoá hành động "bơm đủ thứ vũ khí cho Ukraine" mà ông tin là có thể được Kiev sử dụng trong cuộc chiến chống phe ly khai ở miền Đông Ukraine và vi phạm thoả thuận Minsk đạt được từ năm 2014.
"Nếu phương Tây thúc ép Kiev phá hoại thoả thuận Minsk, điều mà chính quyền Ukraine sẵn sàng làm, thì Ukraine có thể có một kết cục rất tồi tệ", ông Nebenzia nói. "(Ukraine) sẽ tự huỷ diệt và Nga hoàn toàn không dính dáng gì đến việc này".
Trước phát biểu của ông Nebenzia, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield bất ngờ loan báo rằng Nga đã tăng cường lực lượng không chỉ đến biên giới Nga-Ukraine mà còn đến Belarus.
"Chúng tôi đã thấy bằng chứng Nga có ý định tăng đến hơn 30.000 quân đóng gần biên giới Belarus - Ukraine, cách Kiev chưa đầy hai giờ bay về phía Bắc, vào đầu tháng 2", bà Thomas-Greenfield nói.
Đại sứ Mỹ cho rằng, đợt điều quân trên là lớn nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ, cảnh báo "hậu quả rất khủng khiếp" nếu Nga tấn công. Mỹ cũng thông tin, Nga đã triển khai khoảng 5.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài tới diễn tập tại Belarus.
Đáp lại bình luận này này, đại sứ Nebenzia nhấn mạnh, quân đội Nga tới Belarus để diễn tập chung thông thường, đồng thời cho rằng: "Mỹ đang khơi dậy căng thẳng, ra tuyên bố và kích động leo thang". "Đề cập đến mối đe dọa chiến tranh là hành động khiêu khích", ông nói, theo CNBC.
Nhà ngoại giao Nga cũng tuyên bố: "Chính những người Mỹ đang giữ kỷ lục về việc có quân đội hiện diện bên ngoài lãnh thổ của họ. Các cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ đã giết chết hàng trăm nghìn dân thường ở những quốc gia mà họ được cho là mang lại hòa bình và dân chủ".
Trong khi đó, đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya kêu gọi giảm leo thang để có thể tiếp tục các cuộc đàm phán về xung đột ở miền Đông. "Tổng thống Ukraine gần đây nhắc lại rằng ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga", nhà ngoại giao Kyslytsya nói.
Căng thẳng leo thang sau khi Mỹ và NATO nhất quyết cho rằng việc Nga tập trung hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới phía Tây là nhằm lên kế hoạch tấn công Ukraine. Nga nhiều lần bác bỏ thông tin này và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự là vì mục đích phòng thủ.
Tháng 12/2021, Nga đã đồng thời gửi 2 bản đề xuất an ninh lần lượt đến Mỹ và NATO, trong đó yêu cầu khối quân sự cam kết bằng văn bản về việc ngừng mở rộng về phía Đông và không kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, đề nghị của Nga bị khước từ.
Bất chấp những cảnh báo gấp gáp từ Mỹ, chính quyền Ukraine và nhiều quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) nhận định khả năng sớm xảy ra một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là rất thấp.
Hôm 29/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc việc một số lãnh đạo phương Tây mô tả khả năng chiến tranh sớm xảy ra chỉ khiến tình hình xấu đi và tạo ra "cơn hoảng loạn".
"Có những tín hiệu từ lãnh đạo các quốc gia, họ nói rằng ngày mai xảy ra chiến tranh. Đó là cơn hoảng loạn, đất nước chúng tôi sẽ phải trả giá bao nhiêu cho thứ đó? Rõ ràng, rủi ro lớn nhất với Ukraine là bất ổn trong nước", ông Volodymyr Zelensky khẳng định.