Ngay sau tuyên bố “gây tranh cãi” về việc sáp nhập thung lũng Jordan ở Bờ Tây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm nay (12/9) bắt đầu thăm Nga và dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimia Putin, tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi.
Dù nhiều vấn đề “nóng” dự định sẽ được 2 nhà lãnh đạo Nga – Israel thảo luận, song chuyến thăm Nga lần này của vị Thủ tướng Israel vẫn bị dư luận đánh giá là 1 động thái nhằm “đánh bóng tên tuổi”, trước thềm cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.
Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Nga lần này, Thủ tướng Israel sẽ tiếp tục thảo luận về tình hình Syria, xung đột Israel – Palestine, vấn đề Iran và nhiều vấn đề quan trọng khác của khu vực Trung Đông.
Một trong những chủ đề đang được dư luận rất quan tâm trong chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Israel, là liệu rằng ông Netanyahu có đưa ra lời giải thích thêm nào cho tuyên bố sẽ sáp nhập chủ quyền thung lũng Jordan ở Bờ Tây mới đây của ông hay không? Đặc biệt là trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Nga hôm qua đã phản đối mạnh mẽ ý định này của ông.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moscow rất quan ngại về kế hoạch sáp nhập thung lũng Jordan của Thủ tướng Israel. Nếu kế hoạch này được thực thi, nó có thể dẫn tới sự leo thang căng thẳng “đột ngột” tại khu vực và làm suy yếu những hy vọng về việc thiết lập hòa bình, đã được mong chờ từ lâu giữa Israel và các nước Arab láng giềng.
Phía Nga chỉ ra rằng, trên thực tế, dù mới chỉ là ý định, kế hoạch đã nhận được 1 phản ứng rất “tiêu cực” từ Palestine, các quốc gia Arab, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc; theo đó, Moscow kêu gọi tổ chức 1 cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine về vấn đề.
Ngoài cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Israel dự kiến cũng sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu để thảo luận về các hợp tác quân sự giữa 2 bên, đặc biệt trong vấn đề Syria.
Dù chương trình nghị sự và thảo luận trong chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Israel “khá quan trọng”, song chuyến thăm vẫn bị dư luận trong và ngoài Israel đánh giá là 1 động thái “đánh bóng tên tuổi” nữa của ông Netanyahu trước cuộc bầu cử “lại” vào ngày 17/9 tới, sau khi ông không thể thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử vào ngày 9/4 vừa qua.
Dù rất thân với Mỹ, song nhà lãnh đạo Israel vẫn thường xuyên tới thăm Nga. Qua các chuyến thăm, Nhà lãnh đạo Israel muốn chứng tỏ sự thành công trong chính sách đối ngoại của mình khi cân bằng được mối quan hệ hài hòa với các cường quốc. Ngoài ra, Thủ tướng Netanyahu còn muốn nhận được thiện cảm và sự ủng hộ của nhóm cử tri, gốc Liên Xô, nói tiếng Nga trong cuộc bầu cử Israel. Nhóm này chiếm tới 12% trong tổng số 6,3 triệu cử tri Israel đủ điều kiện đi bỏ phiếu bầu cử.
Cũng chính vì mục đích này, trước cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua, ông Netanyahu cũng đã tới thăm Nga. Thậm chí, nhà báo của Israel Gideon Levy còn nhận định, mục đích “duy nhất”trong chuyến thăm Nga lần này – đó chỉ là cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, chuyên gia Tatyana Karasova thuộc viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng, Moscow không phải là bên không được hưởng lợi từ chuyến thăm này của Thủ tướng Israel. Theo bà, chuyến thăm sẽ cho thấy 1 vai trò “không thể thiếu” của nước Nga trong các vấn đề quan trọng của thế giới, bao gồm ở Trung Đông./.