Theo tờ Financial Times, các quan chức Nga đã yêu cầu phát triển một loại tiền ảo có thể giúp Nga luân chuyển các dòng tiền ra nước ngoài và vượt qua các rào cản trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
“Loại tiền này rất hợp với chúng ta khi tiến hành những hành động nhạy cảm thay mặt cho quốc gia. Chúng ta có thể thiết lập các tài khoản với đối tác trên toàn thế giới mà không cần phải lo lắng đến các lệnh trừng phạt,” cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin Sergei Glazyev phát biểu trong một cuộc họp Chính phủ.
Financial Times tiết lộ, đích thân ông Putin đã yêu cầu có một đồng rúp “ảo” – phiên bản trực tuyến của đồng tiền Nga. Các cơ quan nghiên cứu của chính phủ Nga hiện đang nỗ lực hết sức mình để có thể nắm trong tay công nghệ blockchain – phần công nghệ cốt lõi của bitcoin và các đồng tiền ảo khác.
Thông tin trên là tín hiệu mới nhất cho thấy, Tổng thống Nga đã vượt qua những hồ nghi trước đây về tiền tệ ảo. Ông Putin đã ra lệnh cho nội các của mình xem lại khung pháp lý cho việc sử dụng tiền ảo tại Nga. Hồi tháng Chín, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov từng cam kết rằng, cơ quan này sẽ bắt đầu điều tiết đồng tiền ảo từ cuối năm 2017.
Tiền ảo có thể chuyển sang được tiền thông thường mà không làm lộ danh tính người giao dịch. Tuy nhiên, chính phủ Nga đã ra tín hiệu, đồng tiền tương lai sẽ do Điện Kremlin điều tiết và kiểm soát ở một mức độ nào đó. Ông Glazev cho biết, đồng tiền ảo vẫn sẽ là “đồng rúp cũ, nhưng việc lưu thông sẽ bị hạn chế một cách nhất định,” cho phép Chính phủ có thể nắm được từng động thái của nó.
Một số người cho rằng, quyết định của ông Putin cho thấy, công nghệ tiền ảo, từng được ca ngợi là một phương pháp mới để trao đổi giá trị mà không cần đến các ngân hàng lớn và chính phủ, giờ đây có thể tồn tại một cách “hợp pháp”.
“Tôi đã rất hoảng hốt khi biết rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhúng tay vào lĩnh vực tiền tệ ảo. Động thái này dường như cho thấy những ngày đầu lý tưởng của bitcoin đã dần đến điểm kết,” chuyên gia Vijai Maheshwari viết trên tờ Politico Europe.
Ông Putin được cho là bắt đầu quan tâm đến tiền ảo sau cuộc gặp gỡ với Vitalik Buterin, tỷ phú người Nga đã sáng lập nên nền tàng phần mềm Ethereum – hiện đang sử dụng cùng công nghệ với đồng tiền ảo bitcoin.
Trong khi đó, Financial Times chỉ ra, nhà lãnh đạo người Nga còn rất nhiều lý do khác cần phải lưu chuyển các dòng tiền một cách “kín đáo”.
Mỹ đã và đang áp dụng nhiều lệnh trừng phạt đối với các doanh nhân và cá nhân có ảnh hưởng lớn tại Nga. Trong thời gian qua, Moscow liên tục tiến hành các hoạt động vận động hành lang để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này. Nhiều người tin rằng, các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng lớn tới việc đưa các nguồn tiền từ Nga ra nước ngoài.
Nhóm lệnh trừng phạt đầu tiên, còn được gọi là Điều luật Magnitsky, được thực thi vào năm 2012 nhằm đáp trả lại những hành động bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền của luật sư người nga tên là Sergei Magnitsky.
Mỹ và Liên minh Châu Âu sau đó đã tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt lên Nga vào năm 2014 với lý do Nga đã vi phạm chủ quyền của Ukraine. Đây chính là năm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình và bị cho là tiếp tục can thiệp vào cuộc xung đột phía đông Ukraine.
Thêm lệnh trừng phạt được đưa ra sau những cáo buộc Nga từng can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, và gián tiếp giúp tỷ phú Donald Trump trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng.
Nga muốn tạo ra một đồng rúp ảo để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế?
Cơn sốt tiền ảo lan rộng khắp toàn cầu
Năm 2017 chứng kiến sự phát triển và lan tỏa vũ bão của tiền ảo; ngày càng nhiều chính phủ tiến tới việc chấp nhận và điều tiết các đồng tiền trực tuyến này. Công nghệ blockchain sử dụng cryptography (mật mã học) cho phép nhiều bên có thể chia sẻ, cập nhật dữ liệu mà không đòi hỏi một trung gian để xác nhận thông tin.
Đây có thể coi là một hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu. Nhiều ngân trung ương lớn trên thế giới đã nghiên cứu tiềm năng của công nghệ này. Một số, như ngân hàng Riksbank của Thụy Điển còn đang cân nhắc sử dụng blockchain để tạo ra đồng tiền ảo riêng để sử dụng.
Tuy nhiên, các ngân hàng khác lại tỏ ra “bài xích” công nghệ này. Ngân hàng trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản nhận xét blockchain là quá “sơ khai” để sử dụng trong hệ thống chi trả của mình.
Trong khi đó, một vài quốc gia như Hàn Quốc được cho là bắt đầu dự trữ tiền ảo để giao dịch trên thị trường chợ đen, hoặc như Venezuella, còn muốn tạo ra đồng tiền ảo riêng.
Tuy nhiên, Newsweek nhận định, việc tạo ra một đồng tiền ảo được Nhà nước hậu thuẫn, để có thể thay thế cho các mô hình tài chính đang tồn tại như gia tăng vốn cho các ngân hành quốc gia hoặc chi trả trong lĩnh vực quốc phòng – vốn đang bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt – sẽ còn đòi hỏi rất nhiều công sức của chính phủ Nga.