Mạng phương Đông (Eastday) của Trung Quốc dẫn báo cáo từ Hiệp hội truyền thông thanh niên, một liên minh phóng viên từ 2.000 cơ quan truyền thông của nước này, nói rằng nước Nga có thể đối diện với "lịch sử lặp lại": Nền kinh tế suy thoái suốt 10 năm sau khi Liên Xô tan rã.
Bà Tatyana Maleva, Giám đốc Sở nghiên cứu dự báo và phân tích xã hội, thuộc Học viện quản lý công và kinh tế quốc dân (RANEPA) của Nga nói với tờ Financial Times (Anh):
"Người Nga đánh giá rất cao những thành quả về phúc lợi xã hội đạt được từ năm 2000 đến nay, vì vậy để kết quả đó mất đi là điều hết sức đáng buồn.
Sau 2 năm trải qua tình trạng khủng hoảng về kinh tế, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy viễn cảnh tăng trưởng. Điều đó khiến mọi người nhớ lại thập niên 1990."
Bà Maleva cho hay: "Chúng tôi phải thừa nhận, hậu quả xã hội mà cuộc khủng hoảng gây ra sẽ giống với thế kỷ trước, bởi chúng tôi đang nhìn thấy sự trì trệ lâu dài và không biết bao giờ mới chấm dứt."
Bà Tatyana Maleva. (Ảnh: TASS)
GDP Nga tương đương 1 tỉnh của Trung Quốc
Theo Eastday, số liệu do cơ quan thống kê của Chính phủ Nga công bố cho thấy, kinh tế Nga tăng trưởng âm 3.7% năm 2015. Đây là lần thứ hai kinh tế nước này tăng trưởng âm kể từ năm 2000.
Lần trước đó là vào năm 2009, kinh tế Nga tăng trưởng âm 7.9% bởi chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
"Những tháng ngày tươi đẹp" của nền kinh tế Nga được nhận định đã kết thúc vào năm 2014 bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất là Moscow bị phương Tây cấm vận đồng loạt sau cuộc khủng hoảng Ukraine; thứ hai là giá dầu thế giới lao dốc.
Eastday cho rằng, kinh tế Nga thiếu nhân tố nội tại để tăng trưởng lành mạnh, do đó khó khăn để duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Giai đoạn 2000-2010 được đánh giá là thời kỳ tăng trưởng "10 năm hoàng kim" đối với các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ...
Nhưng với Nga, dù cũng là một thành viên của nhóm BRICS, đây chỉ là thời kỳ "mạ vàng" khi nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu các nguồn tài nguyên.
Eastday chỉ ra, GDP danh nghĩa của Nga năm 2015 đạt 1.310 tỉ USD, không hơn nhiều so với con số khoảng 1.200 tỉ USD mà GDP tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đạt được.
Đây cũng là địa phương tăng trưởng mạnh nhất trong số 31 tỉnh, thành Trung Quốc năm qua.
Trong khi đó, dù chỉ tăng trưởng 6.9%, thấp nhất trong 25 năm qua, GDP Trung Quốc năm 2015 vẫn đạt hơn 10.000 tỉ USD.
Theo đánh giá của truyền thông Trung Quốc, quy mô nền kinh tế Nga hiện nay chỉ bằng khoảng 1/9 Trung Quốc và trong một vài năm tới, Quảng Đông có thể "nhẹ nhàng" vượt qua Nga.
(Ảnh: Mạnh Quân)
Chính phủ Nga chưa đạt kỳ vọng
Tờ Tin tức tham khảo (Trung Quốc) dẫn nguồn bài viết tổng kết 16 năm cầm quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin do báo RBC Daily (Nga) đăng tải hồi tháng 1/2016 nhận định, chính phủ Nga chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng.
Theo tờ này, Moscow vốn có đủ thời gian và nguồn lực để "dù không thể trở thành Trung Quốc tiếp theo" thì cũng đạt được những bước phát triển như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
RBC nhận định, Điện Kremlin chịu một phần trách nhiệm bởi đã đưa ra chính sách tập trung lớn vào dầu mỏ, trong khi các ngành và lĩnh vực khác trở nên mờ nhạt.
Báo cáo trên cho rằng ông Putin "tương đối may mắn" bởi giá dầu từ 28.5 USD/thùng năm 2000 đã tăng lên tới 102 USD/thùng vào giai đoạn 2010-2014.
Đây là thời gian mà người dân Nga đã kỳ vọng cao về thời kỳ phục hưng của đất nước.