Nga "điếng người" trước Không quân Israel: Tại sao Pantsir-S1 lại dễ bị tiêu diệt đến thế?

Bảo Lam |

Israel công bố video tổ hợp Pantsir-S1 bị tiêu diệt khiến Nga "điếng người". Chưa bao giờ loại vũ khí được coi là sát thủ của các loại mục tiêu bay lại dễ bị "làm thịt" đến thế!

Nga "điếng người" vì Pantsir-S1 Syria dễ dàng bị Israel tiêu diệt

Tổ hợp Pantsir-S1 vừa bị tiêu diệt được Nga cung cấp cho Syria cách đây không lâu. Israel khẳng định – mục đích của cuộc không kích thành công này là các cứ điểm của Iran chứ không phải Nga.

Nhưng tại sao Pantsir-S1 không phòng bị trước cuộc tấn công của không quân Israel. Người Syria còn thiếu điều gì để xây dựng hệ thống phòng không hiệu quả?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ hai, ngày 21/01 đã đưa ra lời giải thích cho cuộc tấn công của không quân Israel nhằm vào lãnh thổ Syria – cuộc không kích quy mô nhất kể từ tháng 5/2018.

"Chúng tôi hành động chống lại Iran và chống lại các lực lượng của Syria đang hỗ trợ Iran", thủ tướng Israel tuyên bố. Theo hãng thông tấn TASS đưa tin, ông Netanyahu cảnh báo: "Bất cứ ai gây phương hại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ khiến họ phải chịu hậu quả đúng như thế".

Giới quân sự Israel tuyên bố: Cuộc tấn công là câu trả lời đối với hành động tấn công bằng tên lửa nhằm vào Cao nguyên Golan thuộc quyền kiểm soát của nhà nước Do Thái.

Theo trang MIGnews bằng tiếng Nga của Israel, các mục tiêu của các máy bay tiêm kích là những đơn vị phòng không Syria và các vị trí của lực lượng đặc nhiệm Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Quds).

Những cuộc không kích của Quân đội phòng vệ Israel được triển khai thành 2 giai đoạn – vào Chủ Nhật và vào rạng sáng thứ Hai. Cuộc không kích đầu tiên diễn ra vào buổi trưa Chủ Nhật bởi 4 máy bay F-16 của Không quân Israel từ ngoài khơi Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, người Syria báo cáo rằng đã bắn hạ được tất cả các tên lửa của Israel, và không một quả nào tới được mục tiêu. Bộ Quốc phòng Nga đưa ra những đánh giá khá khiêm nhường, khi thông báo về 7 quả tên lửa bị phòng không Syria bắn hạ.

Rạng sáng ngày thứ Hai đã diễn ra một cuộc tấn công ồ ạt hơn. Như Trung tâm chỉ huy phòng thủ quốc gia Nga nêu rõ, tổng cộng người Israel đã thực hiện 3 cuộc không kích – từ phía tây, phía tây nam và phía nam.

Kết quả là hệ thống cơ sở hạ tầng sân bay quốc tế của Damacus đã bị hư hỏng. 4 người thiệt mạng và thêm 6 binh lính Syria bị thương.

Nga điếng người trước Không quân Israel: Tại sao Pantsir-S1 lại dễ bị tiêu diệt đến thế? - Ảnh 1.

Tổ hợp Pantsir-S1 của Syria.

Tuy nhiên, Trung tâm chỉ huy phòng thủ quốc gia Nga chia sẻ, khi thực hiện đánh trả cuộc không kích này, phòng không Syria đã tiêu diệt hơn 30 tên lửa hành trình và bom điều khiển.

Israel coi cuộc không kích của lực lượng không quân là không thể thành công hơn. Trên trang МIGNews có khẳng định: người Israel đã "đánh úp" các kho vũ khí của "Quds" tại sân bay Damascus, ngoài ra, một căn cứ tình báo và một trại huấn luyện của Iran trên lãnh thổ Syria đã bị phá huỷ.

Bên cạnh đó nhấn mạnh rằng Israel tấn công không chỉ từ lãnh thổ của mình, mà từ không phận của Li-băng. Quốc gia này được coi là căn cứ của tổ chức thân Iran "Hezbolla".

Và cuối cùng, trên trang Twitter chính thức của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) xuất hiện đoạn video mà trong đó ghi lại tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 – một trong những tổ hợp được Nga bàn giao cho Syria, đã bị tiêu diệt một cách dễ dàng.

Nga điếng người trước Không quân Israel: Tại sao Pantsir-S1 lại dễ bị tiêu diệt đến thế? - Ảnh 2.

Một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Syria bị Israel tiêu diệt.

Vì sao lại thế?

Phía Syria không xác nhận sự việc này. Được biết rằng hồi cuối tháng 12/2018, tổ hợp Pantsir-S1 của Syria đã bắn hạ tên lửa Delilah của Israel.

Cựu lãnh đạo cơ quan an ninh "Nativ" của Israel, ông Yakov Kedmi nói: sự giải thích dữ liệu của từng bên, Syria và Israel, đều có lợi cho mình – điều bình thường, đặc biệt khi sự việc liên quan đến phía Syria.

Bởi vậy, trong trường hợp này, ông Kedmi coi những dự liệu của Bộ Quốc phòng Nga đáng tin và có căn cứ hơn.

Cựu tư lệnh các đơn vị tên lửa phòng không, trung tướng Alexandr Gorkov lý giải, trong những tình huống nào Israel có thể tiêu diệt được Pantsir-S1. "Thông thường người ta bắn hạ được những hệ thống này khi tổ hợp đang trong quá trính khởi động lại. Có nghĩa là chúng bắn xong một loạt đạn, chuẩn bị nạp đạn, và chúng không còn tên lửa.

Cơ số đạn của Pantsir-S1 gồm 12 quả tên lửa. Theo tính toán, 2 quả cho 1 mục tiêu, đã thực hiện 6 lần phóng, một tổ hợp không thể tiêu diệt được mục tiêu thứ 7- thứ 8, cần phải nạp đạn. Quá trình này có thể mất từ 10 đến 20 phút", ông Gorkov nói.

Theo lời ông, vào thời điểm này, tổ hợp cần sự yểm trợ từ phía các đơn vị phòng không khác.

Ông Gorkov tin rằng sự việc này không làm hệ thống vũ khí của Nga mất điểm. "Tình huống này không hay lắm nhưng có thể tránh được. Ở đây là vấn đề chiến thuật, tổ chức và triển khai trận chiến – đó mới là điều cần quan tâm, dù PantsirS-1 bị tiêu diệt nhưng không hề làm mất đi hình ảnh, danh tiếng của hệ thống này.

Cần phải nghĩ rằng hoạt động của hệ thống phòng không Syria chưa được thiết lập hoàn chỉnh, còn nhiều thứ phải tính toán và bỏ công sức", ông Gorkov cho biết.

Nga điếng người trước Không quân Israel: Tại sao Pantsir-S1 lại dễ bị tiêu diệt đến thế? - Ảnh 3.

Các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Patsir-S1 Syria bị Israel tiêu diệt.

"Theo nguyên lý sẽ phải như thế này: trước tiên S-300 sẽ tiêu diệt các mục tiêu. Sau đó tới các tổ hợp tầm trung Buk, sau đó là tầm gần Pantsir-S1, cuối cùng mới đến lượt các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai", Trung tướng, cựu phó tư lệnh không quân về các vấn đề hệ thống phòng không thống nhất của các nước SNG, ông Aitech Bizev khẳng định.

Ông cho rằng S-300 cần phải được tích hợp trong một hệ thống phòng không thống nhất của Syria – "nó như một cơ thể sống. Chúng sẽ phải tập dượt về khả năng phối hợp". S-300 là tổ hợp tầm xa, còn các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn mới chủ yếu được triển khai chiến đấu.

"Nga cố gắng xây dựng ở Syria hệ thống phòng không thống nhất mà các cấu thành sẽ yểm trợ lẫn nhau giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống. Nhưng tạm thời hệ thống này chưa hoàn chỉnh, nó chưa được triển khai toàn bộ", chuyên gia người Israel Yakov Kedmi kết luận.

Chính đây là lý do tại sao Israel không chỉ tiêu diệt được các mục tiêu bất chấp hệ thống phòng không của Syria hoạt động, mà cả hai tổ hợp phòng không. Hệ thống phòng không dễ bị tiêu diệt nhất trong trường hợp nó không hoạt động như một hệ thống thống nhất mà như các đơn vị tên lửa riêng lẻ.

Theo ý kiến của ông, "khi nó được triển khai toàn bộ, nó có thể gây khó khăn cho Israel trong việc triển khai các cuộc không kích.

Vấn đề trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai các chiến dịch đó là so sánh hệ thống phòng không có khả năng ngăn chặn những hành động của Israel tới mức nào và nó có thể gây thiệt hại cho lực lượng không quân Israel ra sao, những mục tiêu nào có thể đạt được", ông Kedmi nhấn mạnh.

Israel tiêu diệt 1 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại